Tăng dồn dập

Phần lớn trong phiên giao dịch ngày 21/6, thị trường châu Á chứng kiến một đợt tăng hiếm thấy của giá vàng. Lần đầu tiên trong 6 năm qua, mặt hàng kim loại quý bứt phá vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng lên trên ngưỡng 39 triệu đồng/lượng.

Tính trong 1 tháng, giá vàng thế giới tăng thêm hơn 10% còn vàng thế giới cũng kịp tăng thêm 2,65 triệu đồng/lượng vỏn vẹn trong 3 tuần.

Cú bứt phá ngoạn mục của giá vàng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang tại khu vực Trung Đông lên sát ngưỡng một cuộc chiến tranh, trong khi nước Mỹ vừa phát đi tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài với Trung Quốc.

Chia sẻ trên Kitco, Phil Streible, chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures cho rằng, giá vàng có thể vẫn sẽ lên cao hơn so với mức hiện tại sau khi phá vỡ ngưỡng 1.400 USD/ounce.

Theo đó, nhiều người tham gia bán khống vàng trước đó sẽ bỏ cuộc khi giá vượt ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.400 USD/ounce nói trên. Và do vậy, khó có thể nói rằng vàng có thể sẽ lên cao tới mức nào sau khi vượt ngưỡng này.

Theo Streible, diễn biến giống như một “cơn bão hoàn hảo” đang nổi lên với những rủi ro địa chính trị gia tăng và cùng với đó là những lời lẽ theo chiều hướng nới lỏng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu. 

{keywords}
Vàng được dự báo tăng mạnh.

Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, sau khi vượt mốc 1.300 USD/ounce, vàng sẽ bước vào thị trường tăng giá (thị trường con bò - bull market). Điều này nhiều khả năng thúc đẩy nhu cầu vàng gia tăng đồng thời kích hoạt các lệnh mua tự động trong dài hạn.

Trong 5 tháng đầu năm, có một thực tế là, có nhiều “tay chơi” lớn dồn dập vào thị trường vàng. Đó là ngân hàng trung ương của nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Kazakhstan…. Những nước này gần đây ồ ạt mua vàng nhằm giảm tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của đồng bạc xanh.

Cũng trên Kitco, một số dự báo từ các chuyên gia vàng hàng đầu trên thế giới cho rằng, năm 2019 sẽ chứng kiến sự khởi đầu của một chu kỳ tăng giá mới của mặt hàng này. Vàng sẽ tăng giá khoảng 22%, vượt mọi loại tài sản khác và lên 1.500 USD/ounce (khoảng 42 triệu đồng/lượng). Chu kỳ tăng giá lần này có thể đạt đỉnh 1.900 USD/ounce (khoảng 53 triệu đồng/lượng), nhưng sẽ xảy ra sau năm nay

Donald Trump cứng rắn, “bão” vàng mới chỉ bắt đầu

Sở dĩ ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) thay đổi lập trường về chính sách tiền tệ theo hướng không còn “kiên nhẫn” với vấn đề lãi suất mà thay vào đó là hướng tới một mục tiêu chung “duy trì đà tăng trưởng kinh tế Mỹ" chính là bởi vì tác động tiêu cực có thể nhìn thấy rõ từ một cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung do tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi. Bên cạnh đó là áp lực phía ông Donald Trump. 

{keywords}
Ông Donald Trump không ưa thích một đồng USD mạnh.

Dù giữ nguyên lãi suất trong khoảng 2,25%-2,5% trong phiên họp 18-19/6 vừa qua nhưng rõ ràng với sự thay đổi lập trường của mình, Fed có thể cắt giảm lãi suất bất cứ lúc nào nếu có dấu hiệu kinh tế Mỹ chậm lại.

Sự thay đổi lập trường của Fed được xem là đến từ chính những sức ép từ ông Donald Trump và những hành động đưa Fed vào thế buộc phải hành động, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng muốn ngăn chặn sự nổi lên đáng sợ của Trung Quốc.

Trong hơn 3 thập kỷ qua, Fed hoàn toàn độc lập với Nhà Trắng trong việc đưa ra các chính sách. Tuy nhiên, ông Trump là người đã phá vỡ truyền thống 3 thập kỷ ở Nhà Trắng. Ông chính là người không đề cử bà Janet Yellen vào vị trí chủ tịch Fed nhiệm kỳ 2, mà thay vào đó là ông Jerome Powell, người theo chiều hướng mềm mỏng hơn. Nhưng gần đây, ông Trump tin rằng có thể giáng chức chủ tịch Fed Powell.

Theo ông Donald Trump, nếu Fed hạ lãi suất, thì Mỹ sẽ thắng Trung Quốc và Mỹ sẽ có một “thỏa thuận tuyệt vời”. Ông Trump không muốn có một đồng USD mạnh, bởi một đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc yếu đã góp phần khiến Mỹ thâm hụt thương mại nặng.

Hiện tại, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang bế tắc. Truyền thông Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn cho dù 2 bên đã xác nhận cuộc gặp cấp cao giữa ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong dịp G20 tại Nhật Bản sắp tới.

Một khi Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD sẽ nhanh chóng giảm và qua đó kéo giá vàng đi lên. 

{keywords}
Mỹ đối mặt với khá nhiều cuộc chiến.

 Không chỉ USD, nhiều đồng tiền khác cũng có xu hướng giảm giá. Sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới cũng là yếu tố tích cực đối với vàng.

Trong cuộc họp hôm 20/6, NHTW Nhật đã quyết định tiếp tục duy trì lãi suất siêu lỏng với lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức gần 0% cũng như giữ nguyên chương trình mua tài sản, trong khi NHTW châu Âu (ECB) cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất và và tái khởi động chương trình mua trái phiếu.

Vàng được cho là bắt đầu vào một cơn bão hoàn hảo còn do căng thẳng leo thang tại Trung Đông tới mức có thể xảy ra một chiến bất cứ lúc nào.

Sự việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hôm 19/6 chẳng khác nào đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông sau vài vụ các tàu chở dầu bị tấn công bằng chất nổ ở vùng vịnh khu vực này mà ông Donald Trump cáo buộc là do Iran đứng đằng sau.

Theo NYT, tổng thống Trump đã chấp thuận tấn công quân sự Iran nhưng bất ngờ rút lại quyết định ngay sáng 21/6.

Một cuộc chiến tại Trung Đông có thể kéo vàng lên cao vút. Tuy nhiên, chiến tranh không phải là điều thực sự ông Trump muốn. Chưa biết lựa chọn rút quyết định tấn công quân sự là do đâu và là rút tạm thời hay như thế nào nhưng có thể có sự lưỡng lự của tổng thống Mỹ.

Trên thực tế, ông Donald Trump là một nhà lãnh đạo cứng rắn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ từ khi chạy đua vào Nhà Trắng là muốn Mỹ tránh khỏi những cuộc chiến tranh ở nước ngoài tốn kém. Điều mà ông thích nhất chính là cuộc chiến về thương mại dựa trên thuế quan (tariff man) để đạt được những thỏa thuận có lợi. Một cuộc chiến tại Trung Đông nếu không xảy ra sẽ giúp vàng bớt tăng phi mã.

V. Minh