Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS - UpCom), theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2016 đã được kiểm toán, hiện có tổng nợ vay và nợ thuê tài chính là 6.078 tỉ đồng trong đó gần một nửa là nợ vay ngắn hạn. Tổng nợ này so với vốn chủ sở hữu gấp khoảng 2,2 lần.

Bắt đầu từ năm 2015 TIS có lợi nhuận sau thuế 87 tỉ đồng, còn lãi ròng năm ngoái đạt 203 tỉ đồng. Tuy nhiên vấn đề của Gang thép Thái Nguyên giờ đây không nằm ở chuyện kinh doanh thua lỗ nữa, mà ở sự nhấn mạnh của kiểm toán: “TIS đang triển khai dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn hai với tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu 3.843,67 tỉ đồng và dự toán đã được điều chỉnh phê duyệt 8.104,91 tỉ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư đến ngày 31-12-2016 là 4.635,5 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.435,5 tỉ đồng” (báo cáo tài chính hợp nhất trang 5).

{keywords}

Nhà máy đóng tàu Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ.


Việc chi phí lãi vay được vốn hóa, theo ý kiến của một số chuyên gia kế toán, phần lớn do doanh nghiệp không trả được nợ, cả gốc lẫn lãi, nên chi phí vốn vay mới được vốn hóa để cấn trừ nợ.

Gang thép Thái Nguyên nằm trong số 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng đang đắp chiếu vừa được Bộ Công Thương xây dựng phương án xử lý trình Chính phủ và Bộ Chính trị cho ý kiến.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu trong vòng năm năm. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết các bước giải quyết nợ xấu cơ bản đã rõ, từ các khoản vay được bảo lãnh, tiền nợ đọng xây dựng cơ bản, đến cả vấn đề lãi dự thu.

Không hẹn mà gặp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu trong vòng năm năm. Đại diện NHNN cho biết các bước giải quyết nợ xấu cơ bản đã rõ, kể cả vấn đề lãi dự thu. Trên thực tế, tổng lãi dự thu của toàn hệ thống ngân hàng không hề nhỏ, và chúng ta bắt buộc phải ghi nhận bản chất của chúng. Song thoái lãi dự thu ngay lập tức thì làm gì có nguồn tài chính, năng lực tài chính nào để làm, do đó cần có lộ trình. “Vi phạm thì phải xử lý, nhưng xử lý phải nhìn vào thực tế” - đại diện NHNN nói.

Bộ Công Thương không nêu rõ tổng nợ vay ngân hàng của 12 dự án yếu kém nêu trên là bao nhiêu, nhưng nhìn từ trường hợp cụ thể của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tổng dư nợ có thể tới hàng chục ngàn tỉ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong nợ quá hạn, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, còn đó những dự án vay nước ngoài và khoản vay được Bộ Tài chính bảo lãnh.

Mới đây có quan điểm cho rằng doanh nghiệp vay thì doanh nghiệp tự trả, ngân sách không trả thay. Thực tế chỉ ra có những dự án khoản vay nước ngoài đã chuyển thành vay trong nước và một số ngân hàng gánh thay bằng cách cho doanh nghiệp vay để trả nợ nước ngoài. Giờ đây tháo gỡ nợ cho 12 dự án vừa nêu, cộng với nợ của doanh nghiệp mà ngân hàng trong nước gánh thay là nợ xấu sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó là chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản năm nào cũng có và tích tụ lại qua nhiều năm. Việc ngân sách chậm thanh toán cho các doanh nghiệp xây dựng trong khi các đơn vị này vay ngân hàng kể cả vay vốn lưu động đã dẫn đến việc ngân hàng không thu được nợ đúng hạn. Nợ đọng xây dựng cơ bản có thời điểm chiếm đến mười mấy phần trăm của nợ xấu. Sẽ là không công bằng khi ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ đọng xây dựng cơ bản triền miên từ năm này qua năm khác.

Ở một đầu khác, gánh nặng trái phiếu chính phủ đang ngày một phụ thuộc vào ngân hàng. Hiện tại tổng dư nợ trái phiếu chính phủ huy động trong nước đã lên tới 18,8% GDP tính đến cuối năm 2016 theo thống kê của Bộ Tài chính. Hơn 80% tổ chức mua trái phiếu chính phủ là các ngân hàng. Tham gia mua trái phiếu đã trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của nhiều tổ chức tín dụng. Không thể nói điều này không ảnh hưởng tới việc cân đối nguồn vốn của các ngân hàng.

Trong suốt những năm qua xử lý nợ xấu chủ yếu do các ngân hàng tự giải quyết trên cơ sở trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được NHNN lấy ý kiến công luận đã đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm giúp VAMC phát mãi tài sản thế chấp, thu hồi nợ.

Song quan trọng hơn đã đến lúc xử lý nợ xấu bằng chính sách là chưa đủ, là chưa thể đi nhanh một khi chúng ta cần kéo mặt bằng lãi suất xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng tăng trưởng GDP. Xử lý nợ xấu cần một lực đẩy là “vốn mồi” của Nhà nước, mà theo dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đó là Chính phủ và NHNN cho các ngân hàng bị mua bắt buộc và những tổ chức tín dụng được chỉ định hỗ trợ các ngân hàng này tái cấu trúc vay ưu đãi. Vay có thời hạn nhất định và vẫn phải lấy nguồn lợi nhuận làm ra để bù đắp nợ xấu.

12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng đang đắp chiếu

1. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; 2. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; 3. Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; 4. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; 5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; 6. Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc; 7. Nhà máy Đạm DAP 1 Hải Phòng; 8. Nhà máy DAP 2 Lào Cai; 9. Dự án Ethanol Bình Phước; 10. Dự án Ethanol Phú Thọ; 11. Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; 12. Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

(Theo TBKTSG)