Nợ công đang tăng cao, nghĩa vụ trả nợ cũng ngày càng lớn. Nếu không kiểm soát chặt, rủi ro nợ công vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu.

Trong bản tin nợ công số 4 vừa được công bố, Bộ Tài chính cho hay, nợ công năm 2014 chiếm 58% GDP.

Nợ của Chính phủ tính đến năm 2014 ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD).

{keywords}

Tính đến năm 2014, Chính phủ cũng đã dành ra 12 tỷ USD để trả nợ và nghĩa vụ trả nợ đang ngày càng tăng lên. Năm 2010, Chính phủ mới chỉ thu xếp trả hơn 4,7 tỷ USD.

Chưa được cập nhật trong bản tin nợ công số mới nhất này, số liệu cuối năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam ở mức 61,3% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 41,5%, trong giới hạn cho phép.

Trong khi đó, ước tính nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP. So với mức trần Quốc hội đặt ra, nợ Chính phủ trong năm 2015 đã vượt trần 0,3%.

Cũng theo bản tin nợ công này, nợ được Chính phủ bảo lãnh năm 2014 là gần 20 tỷ USD. Còn báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy, tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2015 là khoảng 21 tỷ USD (số cam kết là gần 26 tỷ USD).

Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh 5 năm gần đây đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010.

“Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai”, Bộ Tài chính đánh giá.

Trong một báo cáo mới nhất điểm lại nửa chặng đường của năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá rủi ro nợ công vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu. Một trong các lý do là tăng trưởng GDP đang chững lại.

Theo Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra.

Đặc biệt, cơ quan này đánh giá nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.

Lương Bằng