Giá Bitcoin tăng liên tục từ đầu năm và đạt kỷ lục gần 65.000 USD/đồng hồi tháng 4. Tuy nhiên, từ đó đến nay giá đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới tụt dốc khoảng 47%.

Những người ủng hộ vẫn kêu gọi mua vào Bitcoin, nhưng nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thị trường biến động quá dữ dội. Theo CNCB, thị trường Bitcoin đối mặt 5 rủi ro lớn nhất trong nửa cuối năm nay.

{keywords}
Sự biến động của giá Bitcoin từ đầu năm đến ngày 1/7. Ảnh: Refinitiv.

Các quy định quản lý

Rủi ro lớn nhất với Bitcoin hiện nay là các quy định quản lý. Trong vài tuần qua, chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch trấn áp thị trường tiền mã hóa, đóng cửa các mỏ đào Bitcoin và yêu cầu các ngân hàng và công ty tài chính tuyệt đối không thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa.

Tuần trước, đến lượt chính phủ Anh cấm cửa sàn giao dịch tiền mã hóa Binance. Trả lời phỏng vấn CNBC, Simon Yu - CEO StormX, một startup tiền mã hóa - nhận định việc chính phủ Mỹ siết chặt kiểm soát tiền mã hóa sẽ là vấn đề lớn với thị trường này.

“Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ chưa tìm ra cách quản lý ngành công nghiệp tiền mã hóa một cách phù hợp. Điều đó dẫn đến những quyết định gây khó cho thị trường”, doanh nhân Yu nhận định.

Thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác trong chính phủ Mỹ nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bọn tội phạm sử dụng Bitcoin trong các giao dịch mờ ám.

{keywords}
Sàn Binance bị chính phủ Anh cấm cửa. Ảnh: Binance.com.

Giá trồi sụt thất thường

Nhiều nhà đầu tư đánh giá việc giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác lên xuống quá thất thường cũng là rủi ro lớn. Tháng 4, giá Bitcoin đạt kỷ lục ở 64.829 USD/đồng, sau đó lao dốc và có lúc tụt xuống mức thấp nhất 28.911 USD/đồng trước khi tăng trở lại, lên trên 34.000 USD/đồng.

Nếu bạn mua Bitcoin và tháng 1 và bán trong tháng 4, bạn sẽ lãi 100%. Tuy nhiên, nếu để đến thời điểm này mới bán, bạn chỉ lãi vỏn vẹn 18%. Dù vậy, kết quả này vẫn tốt hơn chỉ số S&P 500 (chỉ tăng 16% tính từ đầu năm). Và trong 12 tháng qua, giá Bitcoin đã tăng gấp ba.

Theo CNBC, việc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để mua vào Bitcoin rồi bị đẩy khỏi thị trường là một trong những nguyên nhân khiến giá loại tiền mã hóa này dao động mạnh trong nửa đầu năm.

Ross Middleton - Giám đốc tài chính của nền tảng DeversiFy - nhận định giá Bitcoin dao động trong phạm vi 30.000-40.000 USD/đồng càng lâu, lượng vốn chảy vào thị trường tiền mã hóa sẽ càng lớn.

Ảnh hưởng môi trường

Hệ thống đào Bitcoin đòi hỏi nguồn điện năng lớn. Mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin cũng tăng đáng kể trong những năm qua. Gần đây, tỷ phú Elon Musk nhắc lại vấn đề này khi Tesla quyết định ngừng nhận thanh toán bằng Bitcoin, không chỉ vì tốc độ tiêu thụ điện mà còn vì sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

"Vấn đề này có thể khiến một số nhà đầu tư e ngại, không muốn đổ tiền vào Bitcoin", các nhà phân tích của Citi nhận định. Đây cũng có thể là lý do khiến nhiều chính phủ ra lệnh cấm đào Bitcoin, như cách Trung Quốc đã làm thời gian qua.

Dấu hỏi về stablecoin

Stablecoin - loại tiền mã hóa có giá gắn với những tài sản trong thế giới thực như đồng USD - cũng đối mặt với nhiều nghi ngại. Tuần trước, ông Eric Rosengren - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston - mô tả Tether - stablecoin hàng đầu trong thế giới tiền mã hóa - là rủi ro lớn đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.

Giới đầu tư thường sử dụng Tether để mua các loại tiền mã hóa khác. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo người dùng không hiểu rõ việc stablecoin này không được Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đảm bảo.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren mô tả stablecoin là “tiền của ngân hàng mèo rừng” (tiền mất sạch giá trị, khiến chủ sở hữu lỗ nặng). Nhiều chuyên gia tài chính cũng lo ngại việc Tether bị sử dụng để thao túng giá Bitcoin. "Tether là một vấn đề quá lớn", giáo sư tài chính Carol Alexander thuộc Đai học Sussex nhận định.

{keywords}
Các quan chức chính phủ Mỹ nhiều lần lên tiếng cảnh báo về stablecoin. Ảnh: CoinDesk.

Vấn đề tiền mã hóa meme

Đầu cơ trong thị trường tiền mã hóa cũng là rủi ro lớn với Bitcoin. Dogecoin - loại tiền mã hóa khởi đầu như một trò đùa - tăng giá dữ dội hồi đầu năm khi nhiều nhà đầu tư lẻ đổ tiền vào tài sản kỹ thuật số để kiếm lợi nhanh.

Có thời điểm giá trị vốn hóa của Dogecoin lớn hơn cả Ford và nhiều tập đoàn Mỹ. Tuy nhiên, giá Dogecoin đã lao dốc đáng kể trong hơn một tháng qua.

Trong tháng 6, giá token DeFi Titanium lao dốc từ 60 USD xuống gần 0 USD. Token DeFi Titanium là một phần của dự án stablecoin có tên Iron Finance. Tỷ phú Mark Cuban là một trong những người đầu tư DeFi Titanium.

“Ngoài ra, một rủi ro khác là các trò lừa đảo trên thị trường tiền mã hóa. Với một số đồng meme nhất định, chúng tôi chứng kiến chiêu trò làm giá, bơm thổi để giá lên cao, rồi bị bán ra ồ ạt khiến giá lao dốc thảm hại. Nhiều nhà đầu tư lẻ cháy túi vì chiêu trò này", CEO StormX cho biết.

(Theo Zing)

Một đêm tăng giá hơn 100 triệu, Bitcoin hồi lực mạnh mẽ

Một đêm tăng giá hơn 100 triệu, Bitcoin hồi lực mạnh mẽ

Từ ngưỡng 31.000 USD vào cuối tuần trước, giá Bitcoin vào đầu giờ sáng nay (30/6) đã chạm mốc 36.000 USD, thị trường tiền mã hóa tràn ngập sắc xanh hi vọng.