Ngân hàng Đông Á đã từng 'trượt chân' vì kinh doanh vàng miếng trước khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mạnh tay với kinh doanh vàng bằng việc cấp phép cho 38 tổ chức tham gia kinh doanh vàng miếng thay thế cho những cửa hàng vàng không đủ điều kiện kinh doanh.

Trong số 38 tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng có tới 22 ngân hàng. Cũng từ đây, không ít ngân hàng đã phải nếm trải cay đắng vì một lần lỡ chạm tay vào vàng.

Ngân hàng 'dắt tay nhau' kinh doanh vàng miếng

Trong số 22 ngân hàng tham gia kinh doanh vàng miếng ngày đó ngoài DongABank có sự hiện diện của những ông lớn như ACB, Vietinbank, BIDV. Ngay cả Agribank cũng tham gia thị trường đầy tiềm năng này.

Chứng kiến 12 năm giá vàng tăng liên tiếp, các ngân hàng mang theo niềm tin rất lớn sẽ bội thu nhờ vàng.

Nhưng thị trường vàng không yên bình như lãi suất tiền gửi. Khi các ngân hàng mới chỉ kịp “chạm tay” vào vàng thì giá kim loại này đã tụt dốc thê thảm.

Từ cuối năm 2012, trong khi giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.656,3 USD/oz, thì trong nước kim loại này được bán với giá chênh thêm 5 triệu đồng/lượng. Đầu năm 2013, giá vàng trong nước ở mức 46-47 triệu đồng/lượng.

Tới cuối năm 2013, giá vàng đã giảm một mạch gần 12 triệu đồng/lượng, về mức 34,25-34,75 triệu đồng/lượng.

Như vậy, những ngân hàng đầu tư kinh doanh vàng từ đầu năm 2013 thì đến cuối năm đã lỗ gần 25%.

Cùng năm đó, giá vàng thế giới cũng rớt từ 1.650 USD/oz xuống còn khoảng 1.200 USD/oz, giảm 450 USD/oz tương đương 27%.

{keywords}

Kết quả kinh doanh vàng của một số ngân hàng được cấp phép trong 2 năm 2012-2013.

Khổ vì vàng

Số ngân hàng có thể đứng vững trong giai đoạn biến động giá vàng giai đoạn 2012-2013 chỉ đếm trên đầu ngón tay như Vietinbank, BIDV, Agribank hay TPBank. Các ngân hàng khác đều chịu thua lỗ.

DongABank từng là ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu và cũng là đơn vị quyết tâm nhất trong chiến dịch kinh doanh vàng ngày ấy. DongABank nằm trong nhóm 5 ngân hàng được tham gia kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài, đồng thời sở hữu một cổ đông tổ chức là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ. Ngoài việc chi tới hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào vàng, ngân hàng còn làm ra máy ATM có chức năng bán vàng tự động.

Tuy nhiên, chính vì được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà DongABank đã phải nếm mùi cay đắng khi giá vàng quốc tế giảm một mạch 450 USD/oz chỉ trong năm 2013. Trước đó, năm 2012, DongABank đã chi hơn 450 tỷ đồng đầu tư vào vàng nhưng kết quả thu về chưa đủ bù chi phí, chỉ đạt 385 tỷ đồng.

Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả cho kinh doanh vàng, hoạt động của DongABank cũng đi xuống. DongABank lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay có ảnh hưởng không nhỏ từ việc kinh doanh vàng.

{keywords}

Từ khi tham gia kinh doanh vàng, hoạt động của DongABank bắt đầu tụt dốc. Ảnh minh hoạ.

VietABank cũng là cái tên thể hiện quyết tâm rất lớn khi tham gia kinh doanh vàng. Năm 2013, VietABank đã ký một bản thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Vàng Phước Sơn, cùng với 1 bản hợp đồng tín dụng có hạn mức 18 triệu USD.

Nhưng những biến động của thị trường vàng năm 2012-2013 khiến Vàng Phước Sơn thua lỗ, và bị đình chỉ hoạt động từ năm 2014. Điều này kéo theo VietABank với những khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng từ kinh doanh vàng và ngoại hối.

Năm 2012 nhà băng này báo lỗ 47,5 tỷ; năm 2013 lỗ 158,5 tỷ; năm 2014 lỗ 90 tỷ và năm 2015 lỗ tới 264 tỷ đồng.

Ở vị thế cao hơn DongABank và VietABank cũng như sở hữu tiềm lực mạnh mẽ nhưng ACB cũng phải nếm trải cay đắng với vàng.

ACB chi 905 tỷ đồng đầu tư vào vàng trong 2 năm 2012-2013, nhưng lợi nhuận thu về chỉ chưa đầy 53 tỷ đồng. Với khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng, năm 2012-2013 cũng là 2 năm mà kết quả kinh doanh của ACB xuống thấp nhất. Không lâu sau ACB đã quyết định rút chân ra khỏi thị trường vàng.

(Theo Zing)