Cuộc cách mạng giá bắt đầu từ ngưỡng cao kỷ lục trên 1.900 USD/Ounce tương đương trên 50 triệu đồng/lượng mà vàng đã từng đạt được vào năm 2011.

"Chảo lửa" giá vàng 10 năm trước

Nhớ lại những ngày nóng như chảo lửa của giá vàng 10 năm trước, anh V.K.T, một nhà đầu tư chuyên lướt sóng vàng vẫn còn hồi hộp.

Đó cũng là cảm xúc của những người nắm vàng trong năm 2011. Có thể nói, hiếm có năm nào thị trường vàng lại bốc lửa đến thế. Tính chung cả năm 2011, giá vàng tăng 24,09% so với cuối năm 2010.

"Đánh dấu sự bùng nổ của thị trường vàng là ngày 11/2/2011, sau khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục tới 9,3%. Ngay lập tức, vàng bắt đầu bứt phá lên 36 triệu đồng/lượng," anh T. chia sẻ.

Cơn điên vàng tiếp tục, đầu ngày 9/8/2011, giá vàng chạm ngưỡng 46 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới vượt mức 1.760 USD/Ounce. Chỉ trong 2 ngày 8 và 9/8/2011, giá vàng đã tăng thêm gần 5 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm đó, Phố Trần Nhân Tông - nơi tập trung nhiều cửa hàng vàng tại Hà Nội, lúc nào cũng đông như trẩy hội. Người người, nhà nhà rủ nhau đi buôn vàng. Thậm chí, theo thống kê của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vào sáng ngày 9/8/2011, lượng khách đến mua vàng chiếm tới 93,2%, trong khi người bán chỉ là 7%.

Tuy nhiên, cũng chỉ sau đó một ngày, tức là phiên giao dịch sáng ngày 10/8, khi giá vàng giảm 1,7 triệu/lượng so với phiên giao dịch chiều ngày 9/8, vẫn với cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng chỉ có điều là người ta lại đổ dồn đi bán vàng.

Đến ngày 19/8/2011, giá vàng lập kỷ lục mới vào ngày 23/8/2011, giá vàng thế giới vượt 1900 USD/ounce và giá vàng trong nước cũng vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng rồi vượt 49 triệu đồng/lượng.

Cuối tháng 9/2011, thị trường vàng Việt nam lại chứng kiến cảnh hỗn loạn đội mưa để bán vàng khi giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng. Khép lại năm 2011, giá vàng thế giới dao động nhẹ quanh mốc 1.600 USD/ounce và 43 triệu đồng/lượng trên thị trường Việt Nam.

{keywords}
 

Giá vàng như "bong bóng xì hơi"

Tuy vậy, trong khoảng thời gian 5 năm sau đó, vàng bắt đầu quay đầu điều chỉnh xuống mức chỉ còn trên 1.000 USD/Once tương đương dưới 30 triệu đồng/lượng, hay nói cách khách vàng đã mất gần 50% giá trị trong vòng 5 năm.

Năm 2016, thị trường tiếp tục chứng kiến sự trồi sụt của giá vàng nhưng phản ứng nhà đầu tư khá dè dặt.

Sau 5 tháng đầu năm lình xình quanh ngưỡng 33 - 34 triệu đồng/lượng bất chấp giá thế giới leo thang, vàng trong nước chính thức tìm lại mốc 35 triệu đồng/lượng vào tháng 6/2016. Với việc điều chỉnh tăng 1,6 – 1,8 triệu đồng/lượng trong tháng 6, vàng đã ghi nhận bước tiến 5,1%- tốt nhất kể từ đầu năm.

Tâm điểm trong tháng là diễn biến thị trường sáng ngày 24/6 khi cả thế chờ đợi nước Anh chính thức công bố kết quả Brexit. Vàng trong nước đã có cú bật ngoài sức tưởng tượng khi giao dịch quanh 35,5 – 35,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,9 triệu đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Ngày 5/7, giá vàng kết thúc ở mức 36,35 - 36,9 triệu đồng/lượng, nối tiếp gần một tuần giá tăng liên tục. Chưa dừng ở đó, do thị trường đồn đoán rằng giá vàng có thể giá vàng có thể lên tới 40 triệu đồng/lượng hoặc còn có thể cao hơn nữa nên người dân đã đổ xô đi mua vàng.

Trong ngày 6/7, giá vàng tăng vọt tới mức đỉnh là 38,8 - 39,8 triệu đồng/lượng và cuối cùng chốt phiên ở mức 38,7-39,7 triệu đồng/lượng- mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.

Chênh lệch giữa mua vào, bán ra lên tới hơn một triệu đồng. Tuy nhiên, sang ngày 7/7, từ lúc mở phiên giá vàng đã nhanh chóng lao dốc xuống còn 37,7 triệu đồng/lượng, giảm đến hơn 2 triệu đồng/lượng so với đỉnh ngày 6/7.

Chạy theo cơn lốc vàng trong những ngày này, thị trường đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư vàng “nghiệp dư” bung tiền mua ngay lúc giá ở gần đỉnh 40 triệu đồng để rồi sau đó phải nhận trái đắng khi bong bóng” vàng “xì hơi” không kiểm soát.

{keywords}
Nhiều người bán vàng ôm cả túi tiền về.

Theo đó, chỉ trong vòng 24 tiếng, nếu nhà đầu tư bán lại thì sẽ bị lỗ đến 3,3 triệu đồng một lượng, tức mất 33 triệu đồng cho 10 cây vàng.

Từ những ngày cuối tháng 11, giới đầu tư đã chú ý đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước “neo” ở mức rất cao. Giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm đó, các chuyên gia đã cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra. Thế nhưng tình hình không được cải thiện. Sang tháng 12, mức chênh này được đẩy lên mức kỷ lục mới trên 5 triệu đồng/lượng.

Dịch Covid-19 và sự bất ổn của giá vàng?

Năm 2019, giá vàng ghi nhận sự tăng trưởng hơn 16% đối với vàng trong nước, và 18% đối với vàng thế giới. Và đà tăng này tiếp tục duy trì trong năm 2020, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung tiếp tục diễn ra và Covid-19 lan rộng toàn cầu.

Kim loại quý trong nước và thế giới đang trong những phiên giao dịch tích cực nhất từ đầu năm đến nay khi giá mặt hàng này liên tục vượt đỉnh lịch sử ở các thị trường.

Vàng trong nước liên tục vượt đỉnh lịch sử với mốc giá mới nhất chinh phục được là hơn 50,3 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 7/7/2020. Giá vàng trên sàn New York (Mỹ) cũng tăng 10,7 USD, đóng cửa ở mức 1.785,1 USD/ounce.

Qua đến năm 2020, trước những biến động chưa từng có của thị trường, chúng ta đã chứng kiến sự giao động rất lớn của giá vàng trong nước và thế giới. Vào ngày 4/8/2020, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã chính thức phá ngưỡng 2.000 USD/ounce, đây là một ngưỡng kháng cự mạnh trong nhiều ngày qua đã không thể vượt qua.

Tới cuối giờ chiều 5/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2039 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 2059 USD/ounce (tương đương 58,3 triệu đồng/lượng chưa tính thuế và phí).

Đến ngày 7/8 giá vàng thế giới đã đạt đỉnh 2.070 USD/ounce. Vàng thế giới đã tăng 38% giá trị trong 1 năm qua, đạt mức lợi nhuận là 573 USD/ounce (tương đương 16,2 triệu đồng/lượng).

Như vậy, sau khi chinh phục đỉnh cao mọi thời đại, vượt kỷ lục 1.920 USD/ounce thiết lập hồi 2011 vào hôm 28/7, giá vàng thế giới đã liên tiếp lập các đỉnh cao mới và chỉ cần khoảng 1 tuần để bỏ xa ngưỡng 2.000 USD/ounce trong bối cảnh thế giới bất ổn chưa từng có.

{keywords}
 

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù giá vàng ở cả hai chiều mua và bán vàng trong thời gian qua đang có xu hướng tăng cao nhưng biên độ giữa chiều mua và bán đang ngày càng nới rộng. Mức chênh giữa giá mua vào và bán ra có nơi đã lên tới gần 2 triệu đồng/lượng, trong khi đó, mức chênh với giá thế giới lên tới 4 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tại thời thị trường trong nước, tới 14h40 ngày 7/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 59,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,900 triệu đồng/lượng (bán ra).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,120 triệu đồng/lượng (bán ra), mức chênh giữa giá mua vào và bán lên đến hơn 2 triệu đồng.

Cùng thời điểm trên, tại thị trường thế giới, với mức giá  2.070 USD/ounce, quy đổi ra giá vàng trong nước là 58,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 4 triệu đồng/lượng.

{keywords}
Trong những ngày giá vàng biến động mạnh, tại các cửa hàng vàng người dân tấp nập giao dịch mua-bán vàng

Lý giải tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới bởi thị trường thiếu nguồn cung. Nhiều khách hàng lúc vàng lên mức trên 50 triệu đồng/lượng cho rằng là đỉnh nên đã bán ra để chốt lời, nhưng sau đó thấy "bão" giá vàng không ngừng tăng lại đẩy mạnh mua vào. Doanh nghiệp không đủ nguồn lực bán ra nên niêm yết giá cao.

Sau khi Nghị định 24 ban hành năm 2012 nhằm "chống vàng hoá", Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, cũng như quyết định số lượng vàng miếng dập cho thương hiệu vàng quốc gia SJC.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore, Indonesia đánh giá, chênh lệch giá mua bán được nới rộng có thể do cung vàng miếng không đủ cầu. Vì thế, doanh nghiệp trong nước đẩy giá vàng miếng cao hơn. Còn các loại vàng khác như trang sức không đắt hơn nhiều so với giá thế giới, thậm chí thấp hơn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Trần Thanh Hải nói rằng, giá vàng thế giới tăng sốc nên nhiều doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, ngân hàng thương mại lo thiếu lượng cung.

Đánh giá xu thế tăng giá của vàng là ổn định sau khi kiểm định qua các mốc, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước phải nâng giá vàng lên để tránh rủi ro. Ông Hải nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn mua vàng từ SJC để chủ động nguồn nguyên liệu làm nữ trang tung ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Vì thế, SJC phải đẩy giá lên cao phòng khi "vỡ trận" nếu doanh nghiệp đặt mua đồng loạt.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách hàng giao dịch có tăng cao so với cùng kỳ. Trong tháng 7 và đầu tháng 8, lượng khách mua bán tại DOJI có cao hơn tháng trước và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào một vài thời điểm giá vàng tăng mạnh, lượng khách mua bán tại Bảo Tín Minh Châu cũng tăng cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm các năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vàng cho biết, doanh nghiệp phải nới rộng khoảng cách giá mua và bán để phòng rủi ro khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào, dẫn đến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.

{keywords}
 

Trong bối cảnh giá vàng tăng "điên loạn", một bộ phận người dân có vàng tích trữ đã đổ xô đến các cửa hàng vàng để bán vàng, bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư cho rằng giá vàng sẽ lên mốc 85 triệu đồng/lượng nên vẫn đang dốc hết tiền để mua vàng đầu tư.

Đánh giá về tình hình giá vàng hiện tại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế, khi giá vàng tăng dựng đứng, đạt mốc cao nhất trong lịch sử thì việc tăng cường giao dịch, nhất là mua vào thì rủi ro lại thuộc về người mua. Bởi chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra của thị trường trong nước luôn được doanh nghiệp nới rộng tới 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 3 triệu đồng/lượng.

"Người dân đang có tâm lý đám đông. Khi thấy giá vàng tăng liên tiếp, thông tin người này hưởng lợi từ vàng, người kia giàu lên vì vàng nên nóng ruột, đổ xô vào mua vàng. Điều đó sẽ tạo ra thiệt hại cho chính người mua vàng khi không biết rõ vì sao mình lại mua vàng? trên cở sở nào mình nên mua, cơ sở nào không nên mua?", ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2 triệu trở lên là đặc biệt rủi ro cho người mua vàng. Lúc này, nhà vàng sẽ bán vàng với giá cao và mua vào với giá thấp, khiến nhà đầu tư nếu xuống tiền mua vào mất ngay 2 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng lên, nhà đầu tư sẽ có lời, nhưng nếu giá xuống, nhà đầu tư sẽ sớm gánh hậu quả.

"Như vậy, có thể nói nhà vàng đang đẩy rủi ro về phía người khách hàng. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát biên độ chênh lệch giữa mua và bán, càng cao thì càng rủi ro", ông Hiếu cho hay.

{keywords}
 

Khách hàng chỉ nên đầu tư vào vàng khi tính được khả năng tài chính của mình chịu đựng được mức độ thua lỗ khoảng bao nhiêu %. Nghĩa là, nếu nhà đầu tư có 1 tỷ đồng tại thời điểm giá vàng đang 62 triệu đồng/lượng và đang muốn đầu cơ vào vàng.

Lúc này, nhà đầu tư dự tính vàng sẽ lên đến 65 triệu đồng/lượng với sác xuất là 40 %, giảm từ 62 triệu đồng/lượng xuống 60 triệu đồng/lượng với xác xuất cũng 60%. Sau đó, lấy tỉ lệ này x với số tiền bỏ ra sẽ ra được số tiền bị hao hụt khi vàng xuống giá so với số vốn ban đầu.

Nếu bản thân khách hàng chấp nhận được sự thiệt hại này vì đây là tiền để dành, không ảnh hưởng đến đời sống thì nên đầu tư để hưởng lợi từ vàng, vì nhìn về dài hạn vàng có thể còn lên cao nữa. Tuy nhiên, trường hợp vay mượn, dồn mọi nguồn lực để đầu tư vào vàng thì quá mạo hiểm.

"Việc nên mua vàng ở thời điểm này hay không tùy theo "khẩu vị" rủi ro của mỗi cá nhân. Quan trọng nhất, họ phải biết được sức chịu đựng về mặt tài chính hạn mức được là bao nhiêu. Không nên vay tiền, vay vàng để đầu cơ vào vàng chỉ vì nghe thấy dự đoán vàng sẽ tăng giá", ông Hiếu cho hay.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì không nên mua vàng lúc này. Trong vòng 1 năm qua, giá vàng tăng thẳng đứng, theo kinh nghiệm quá khứ thì khi mua ở đỉnh, dư địa tăng không còn nhiều, trong khi việc giá vàng quay đầu hoàn toàn có thể xảy xa.

{keywords}
 

Theo ông Hiển, trong vòng 4 tháng tới giá vàng vẫn neo ở mức cao như hiện nay hoặc có thể tăng thêm. Sau đó, nhiều khả năng sẽ giảm. Như vậy, mua vàng lúc này là ở giá cao. Mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn, bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh.

Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce được xem là mức rất cao. “Vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch Covid-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên”, ông Hiển nói. Ông nhận định giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới.

Tại  thị trường trong nước, tính đến hơn 18h ngày 8/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 58,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,30 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt giảm 2.250.000 đồng/lượng bán ra và 2.100.000 chiều mua vào sơ với đầu phiên giao dịch cùng ngày.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng được niêm yết ở mức 57,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 59,70 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt giảm 2.700.000 đồng/lượng bán ra và 2.150.000 đồng/lượng mua vào.

Mức giảm nói trên đã khiến những nhà đầu tư mua vàng sáng nay (8/8) đến chiều cùng ngày chịu khoản lỗ ròng 2,7 triệu đồng (bao gồm cả chênh lệch giá mua bán), mức rủi ro đã được nhiều chuyên gia trong nước cảnh báo. Đà giảm cũng khiến hầu hết nhà đầu tư mua vàng từ giữa tuần đến nay thua lỗ tiền triệu.

(Theo Dân Việt)