Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV (BID) của tân chủ tịch Phan Đức Tú vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2 quý đầu năm 2019 với lợi nhuận lần đầu tiên tụt xuống vị trí thứ 4 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng tăng mạnh lên hơn 10,7 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 46% lên gần 10,5 ngàn tỷ đồng; nội bảng lên trên 21 ngàn tỷ và tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức gần 2%.

So với hệ thống ngân hàng, mức 4,8 ngàn tỷ đồng vẫn là khá lớn nhưng cũng đánh dấu sự đi xuống của ngân hàng từng được xem là trụ cột trong hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm trước đó.

Trước đây, BIDV luôn nằm trong top 3 ngân hàng có quy mô cũng như lợi nhuận lớn nhất Việt Nam và đây đều là các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh, gồm: Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Tuy nhiên, đến năm 2017 vị trí số 2 của BIDV đã bị lung lay và tới 2018 đã bị Techcombank vượt qua và nửa đầu 2019 lại bị MBBank bỏ lại phía sau.

{keywords}
Các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng cao. BIDV có xu hướng chậm lại.

Kết quả kinh doanh của BIDV đi xuống trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này lộ diện và tăng cao, bất chấp ông lớn ngân hàng quốc doanh này vừa đón thêm khá nhiều tin tốt, đến từ cơ cấu lãnh đạo mới cho dòng vốn nước ngoài đổ vào. 

BIDV dưới thời ông Phan Đức Tú ghi nhận cú M&A giá trị cao nhất lịch sử ngành ngân hàng với việc KEB Hana Bank của Hàn Quốc sẽ rót khoảng 20,3 ngàn tỷ đồng (870 triệu USD) để sở hữu hơn 603 triệu cổ phần (15% vốn điều lệ), tương ứng 33.640 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu BIDV trong thời gian gần đây cũng rất tích cực. Trong vòng 1 năm qua, BIDV đã tăng từ mức 26.000 đồng lên 35.800 đồng/cp. Vốn hóa của BIDV hiện tại là hơn 122 ngàn tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD).

Giữa tháng 11/2018 ngân hàng BIDV đã có chủ tịch mới, chấm dứt thời kỳ chiếc ghế nóng bị bỏ trống kéo dài sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu vào tháng 9/2016.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên trên 40 ngàn tỷ đồng. Sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống 80,99%.

BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống với khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (khoảng 60 tỷ USD) tính tới cuối tháng 6/2019.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây diễn biến khá tích cực, là động lực chính giúp thị trường chứng khoán trụ vững và đang hướng tới ngưỡng 1.000 điểm.

Ở chiều ngược lại, áp lực với nhóm ngân hàng còn khá lớn, nhất là những khoản nợ xấu có chiều hướng lộ diện và gia tăng trở lại sau nhiều năm các ngân hàng xử lý mạnh tay và kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 2%.

Nợ xấu của nhiều ngân hàng gia tăng trong bối cảnh hoạt động cho vay bị giới hạn do chính sách thận trọng đảm bảo phát triển bền vững của chính phủ. Nợ xấu ngân hàng phình to nhưng khó xử lý, khó bán. Nhiều khoản nợ xấu ngân hàng nằm tại VAMC liên tục được hạ giá nhưng vẫn chưa bán được như tại BIDV hay Agribank.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn chịu áp lực cung cổ phiếu tăng trước sức ép ngân hàng phải tăng vốn cũng như thoái vốn theo quy định. Theo đó, đến 2019, các ngân hàng cần thêm nhiều tỷ USD vốn cấp 1 để nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị các kiều kiện đáp ứng chuẩn mực Basel II.

Áp lực tăng vốn khiến các ngân hàng thương buộc phải phát hành thêm cổ phiếu qua các hình thức như: thưởng cổ phiếu, chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược.

Áp lực thoái vốn tại các ngân hàng khiến nguồn cung trên thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong khi đó, sức cầu đang thấp, các phiên đấu giá ảm đạm. Đây có thể là yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá.

M. Hà