Trung Quốc mới đây đã công bố về một chương trình thí điểm mới tại tỉnh Hà Bắc, trong đó yêu cầu khách hàng phải xin phê duyệt trước nếu họ có kế hoạch gửi hoặc rút một lượng tiền mặt lớn tại các ngân hàng thương mại. Quy định này được đưa ra sau khi xuất hiện các đợt rút tiền hàng loạt (bank runs) vào cuối năm ngoái tại một số ngân hàng nhỏ cùng với nguy cơ nợ xấu tăng vọt do Covid-19.

Cụ thể, theo thông tin từ Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, kể từ ngày 1/7, người dân trên địa bàn tỉnh Hà Bắc sẽ phải cung cấp thông tin về nguồn tiền gửi hoặc mục đích rút tiền cho các giao dịch trên 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.162 USD - áp dụng cho các cá nhân) và 500.000 nhân dân tệ (áp dụng cho các doanh nghiệp) thông qua việc nộp đơn thông báo trước một ngày tới các ngân hàng. Sau khi đạt được sự chấp thuận của chi nhánh ngân hàng nơi nộp đơn, giao dịch mới được thực hiện.

{keywords}
 

Chương trình thí điểm này sẽ được mở rộng sang Chiết Giang và Thâm Quyến bắt đầu từ ngày 01/10, chủ yếu nhắm vào các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt thông qua các thiết bị rút tiền được thực hiện nhanh chóng mà không có sự giám sát chặt chẽ. Thông qua kiểm soát nhu cầu rút tiền mặt, đặc biệt là các khoản tiền giá trị lớn sẽ giúp đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và kinh tế của Trung Quốc.

"Việc thực hiện thường xuyên các giao dịch tiền mặt với giá trị lớn có thể là biểu hiện của việc rửa tiền hoặc trốn thuế, vì vậy quy định về các giao dịch tiền mặt lớn có thể giúp hạn chế các hành vi bất hợp pháp đó", Pan Helin, trưởng khoa nghiên cứu của Viện Kinh tế Kỹ thuật số thuộc Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam cho biết.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cảnh báo trước rằng quy định này sẽ gây ra tác động nhỏ đối với các giao dịch kinh doanh của khách hàng. Tuy nhiên, PBOC cũng đã yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải tích hợp hệ thống thông tin của khách hàng để giảm thiểu lượng báo cáo theo yêu cầu của từng khách hàng.

Hệ thống ngân hàng trị giá 40 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang có dấu hiệu không ổn định sau khi xảy ra hiện tượng rút tiền mặt hàng loạt ở 2 ngân hàng nhỏ. Nguyên nhân là do các khách hàng cố gắng rút tiền tiết kiệm vì lo ngại về "sức khỏe" của các tổ chức tài chính này. Chính quyền địa phương và cảnh sát ở huyện Bảo Bình của tỉnh Hà Bắc và Dương Tuyền, một thị trấn khai thác than ở tỉnh Sơn Tây, đã phải thực hiện nhiều biện pháp trấn an để ngăn người dân ồ ạt rút tiền mặt từ ngân hàng.

PBOC và các cơ quan quản lý ngân hàng cũng đưa ra các tuyên bố nhằm đảm bảo với công chúng rằng tiền tiết kiệm của họ là an toàn. Cùng với đó, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng Trung Quốc hiện nay đã được nâng lên 500.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên các sản phẩm tư vấn đầu tư và đầu tư ủy thác, vốn là những sản phẩm đầu tư phổ biến của những người gửi tiền tại Trung Quốc và thường được bán thông qua các chi nhánh ngân hàng, sẽ không được bảo vệ.

Trong khi việc rút tiền hàng loạt thường được làm dịu nhanh chóng sau khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương, các đợt rút tiền này là lời nhắc về sức khỏe tài chính của các ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc trong bối cảnh nợ xấu và triển vọng tăng trưởng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.

Nhiều ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề bao gồm các khoản nợ xấu tăng cao, sự thiếu hụt vốn và trình độ quản trị yếu kém. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cũng đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Baoshang sau khi ngân hàng này không thể duy trì hoạt động và được tái cấu trúc. Ngoài ra, chính phủ cũng buộc phải bảo lãnh cho ngân hàng Jin Châu và ngân hàng Hengfeng.

Trước đó, Ngân hàng Cam Túc - huy động được 6 tỷ đô la Hồng Kông (856 triệu USD) thông qua một đợt IPO tại Hồng Kông vào tháng 1/2018, đã bị "tấn công" bởi một đợt rút tiền hàng loạt vào tháng 4, trong khi Ngân hàng ven biển Yingkou ở tỉnh Liêu Ninh cũng nhận được một lượng lớn yêu cầu rút tiền tại quầy vào tháng 11/2019.

(Theo South China Morning Post/ Tổ Quốc)