Năm 2016 Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 270.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2016 số thu ngân sách đã vượt kế hoạch, đạt 272.249 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngày 18/1, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay: Năm 2016 Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 270.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 22.500 tỷ đồng.

{keywords}
Ngành Hải quan đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016 xây dựng trong bối cảnh tình hình kinh tế đã có những bước tiến phục hồi tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, vẫn còn nhiều DN giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khó lường đã ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan. Đơn cử như giá dầu thô giảm mạnh khiến công tác thu của hải quan gặp không ít khó khăn. Khi xây dựng dự toán, giá dầu thô dự kiến ở mức 60 USD/thùng. Thế nhưng thực tế, giá dầu thô trung bình cả năm 2016 chỉ đạt 41 USD/thùng, giảm gần 20 USD/thùng so với dự toán. Điều này khiến giảm thu từ dầu thô xuất khẩu khoảng 1.800 tỷ đồng.

Xăng dầu nhập khẩu cũng vậy. Ngoài ảnh hưởng bởi giá giảm, số thu từ xăng dầu nhập khẩu còn chịu tác động của việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là việc thuế suất các thị trường Hàn Quốc, ASEAN thấp hơn so với mức thuế suất ưu đãi MFN. Do đó các DN đã chuyển hướng sang nhập từ các thị trường có thuế suất thấp làm giảm thu từ mặt hàng này tới 10.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Đó là chưa kể, ảnh hưởng của việc thực hiện giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do cũng tác động đáng kể đến số thu.

Lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu cho hay: Việc giảm thuế sâu đã làm cho các DN chuyển hướng nhập khẩu từ thị trường có thuế suất cao sang thị trường có thuế suất thấp, đây cũng là một trong các nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan. Điều này có thể thấy ngay trong kết quả thu năm 2016, số thu thuế nhập khẩu giảm khoảng 5.564 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng.

Những vấn đề trên đã trở thành thách thức không hề nhỏ cho công tác thu ngân sách của ngành Hải quan. Dù vậy, kết quả thu ngân sách năm 2016 vẫn rất khả quan. Cụ thể tính đến hết năm 2016 số thu ngân sách đã vượt kế hoạch, đạt 272.249 tỷ đồng, bằng 100,08% dự toán, tăng 3,76% so với thực hiện năm 2015 (262.310 tỷ đồng).

Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết để đạt được số thu đó, ngay từ đầu năm lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất qua hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành. Trong đó, giao chỉ tiêu thu, chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cụ thể cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; chỉ đạo cụ thể các giả pháp cần triển khai thực hiện công tác quản lý thu ngân sách, kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13…; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Năm 2017 Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách là 285.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với dự toán 2017. Bình quân mỗi tháng phải thu 23.750 tỷ đồng (năm 2016 thu bình quân 22.687 tỷ đồng).

Để đạt được mục tiêu này, Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết ngành Hải quan đã đề ra một loạt giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế… Ngoài ra, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các trường hợp giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế…

Hải Dương