Thời gian tới, hàng loạt ngân hàng có thể sẽ tìm tới một phương thức giải quyết tranh chấp tín dụng, xử lý nợ xấu nhanh hơn nhiều, tính bằng ngày tháng, thay vì hàng năm trời ròng rã ở tòa án.

Ách tắc tại tòa án

“Nợ xấu tại các ngân hàng được ví như cục máu đông, nhưng đáng ngại hơn, cục máu đông đó lại nằm trong một hệ thống tuần hoàn không thực sự mạnh, trong một cơ thể vừa phục hồi sau các cuộc khủng hoảng lại đang oằn người ra gánh nợ công”.

Đây là đánh giá của LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo: “Cơ hội và thách thức khi sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khách nhau trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

LS. Huỳnh cho rằng, nợ xấu ngân hàng và nợ công nếu xử lý không tốt sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Đây cũng là lý do vì sao Quốc hội đang phấn đấu rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo Bộ luật Tố tụng Dân sự từ 400 ngày xuống còn 300 ngày.

{keywords}
Xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh, đó là mới chỉ trên lý thuyết, thực tế không vụ án nào xét xử dưới 400 ngày. Và tình trạng tồn đọng các vụ việc tại ngân hàng rất lớn. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến nay đã có trên 6.800 vụ khởi kiện ra tòa, với tổng giá trị tranh chấp lên tới gần 42 ngàn tỷ đồng.

Một số ít trị giá vài ngàn tỷ đồng trong đó đã được giải quyết, còn lại vẫn phải chờ, nhanh thì 1-2 năm, chậm thì 6-7 năm,... Lý do là: nhiều tài sản thế chấp cần bổ sung hồ sơ, khách hàng thiếu hợp tác, tòa án quá tải, thủ tục phức tạp... Trong khi ngân hàng sốt ruột vì mất tiền, hao tổn công sức truy đòi, hầu kiện thì các con nợ lại nghênh ngang, thậm chí thách thức để kéo dài thời gian.

Tại một cuộc tọa đàm về nợ xấu hồi cuối tháng 5, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cũng khẳng định, nợ xấu hiện vẫn như “cục máu đông”, nếu chưa tan thì gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ hiện vẫn rất chậm.

Theo ông Thành, ngay tại Vietcombank, một NH có tỷ lệ nợ xấu thấp thì thì xử lý nợ xấu cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ đầu 2017), bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, cũng đã có 790 vụ chuyển qua tòa án (cho dù ở VCB là rất rất ít so với các NH khác) và 98 vụ đã gửi qua tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian giải quyết một vụ việc qua tòa án thường rất dài, vài ba năm, thậm chí có vụ 7 năm. Đó là chưa kể tới thời gian thi hành án.

Hiện tại, Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 13 cho phép các ngân hàng thương mại có nhiều lựa chọn hơn đối với tài sản bảo đảm (TSBĐ) như kiểm soát TSBĐ, bán tài sản đó theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách) và có thể tiến hành tố tụng pháp lý.

Đây là một tín hiệu tốt cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, một phương thức giải quyết tranh chấp tín dụng, xử lý nợ xấu nhanh hơn nhiều, tính bằng ngày tháng, thay vì hàng năm trời ròng rã ở tòa án cũng đang được các ngân hàng xem xét lựa chọn và đây sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, như đã thấy trên thế giới.

Hòa giải và trọng tài

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, cho rằng, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là xu thế, nhất là nếu tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải. Cách thức giải quyết tranh chấp này có thời gian ngắn hơn rất nhiều so với giải quyết tại tòa.

{keywords}
Nợ xấu vẫn là cục máu đông trong mạch máu của nền kinh tế.

Bà Mai cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017 về hòa giải thương mại và có hiệu lực từ tháng 2017 đã mở ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế.

Theo các chuyên gia, việc ra đời của Nghị quyết này đã mở thêm một cánh cửa để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời quy định việc thành lập các trung tâm hoà giải, việc sử dụng hoà giải viên thương mại.

Đây là Nghị định đầu tiên về hòa giải thương mại, có hiệu lực từ 15/04/2017. Quy phạm pháp luật mới thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước từ phía Bộ Tư pháp trong việc giám sát và thúc đẩy hoà giải thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp.

Theo bà Mai, việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng. Dẫn báo cáo của TAND Tối cao, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại.

Theo LS Trương Thanh Đức, CLB Pháp chế ngân hàng, việc giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng, từ khi có Luật Trọng tài đã và đang thay đổi toàn bộ cục diện, thủ tục trọng tài rút gọn, tiết giảm thời gian, chi phí các bên.

Một điều quan trọng được ông Trương Thanh Đức đề cập tới, đó là, từ năm 2010 đến nay phán quyết của trọng tài có hiệu lực y như bản án, cho dù trong thời gian gần đây cơ chế bản án với ngân hàng là chậm trễ phải xếp lịch mới được xử lý vì quá tải.

Theo VIAC, từ 1/3/2017, tổ chức này áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài mới với thủ tục rút gọn, xuống chỉ còn dưới 100 ngày so với mức 154 ngày trong năm 2015 và 153,6 ngày trong năm 2016.

Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp đồng nghĩa với việc tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hơn thế, các vụ việc được giải quyết bí mật, các bên được lựa chọn diễn đàn, trọng tài viên, luật sư tư vấn; cùng với đó là tính linh hoạt và chuyên môn của hội đồng trọng tài, cho phép tùy chỉnh thủ tục trọng tài phù hợp với điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, phán quyết của trọng tài được thực thi xuyên biên giới với 157 quốc gia đã phê chuẩn Công ước New York 1958 - Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

M. Hà