Hành vi của khách hàng toàn cầu khi sử dụng dịch vụ ngân hàng đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt trước tác động của đại dịch. Khảo sát của Deloitte thực hiện với 200 lãnh đạo cấp cao ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 cho thấy, Covid-19 đã tái định hình xu thế tiêu dùng trong ngân hàng. Giãn cách xã hội làm cho tỷ lệ người chấp nhận công nghệ, và mong muốn trải nghiệm số tăng lên.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Là quốc gia có dân số trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Millennials, dường như đang giảm dần sự nhẫn nại và mong muốn mọi thứ phải thật nhanh, có sẵn nhiều tiện ích tích hợp. Bởi vậy, các sản phẩm phải có sự chuyển động để thích nghi với thị hiếu đã thay đổi.

{keywords}
 

“Văn hoá now” – ngay và luôn, đã khiến nhiều ngân hàng tích cực hơn trong chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, cũng như để cạnh tranh được với các Big Tech và Fintech. Chuyển đổi số trong ngân hàng được hiểu là ngân hàng cần ứng dụng các công nghệ số hiện đại để đạt được tốc độ nhanh và linh hoạt với chi phí hiệu quả trong việc xây dựng một mô hình kinh doanh mới, cũng như trong việc đổi mới trên thị trường. 

Lấy ví dụ như các ngân hàng với công nghệ mới có thể đạt được tốc độ cho ra đời một sản phẩm hay dịch vụ chỉ trong vài tuần, thay vì vài năm như các ngân hàng truyền thống. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng sẽ đạt được tốc độ đăng ký, xử lý giao dịch, hỗ trợ người dùng nhanh chóng chỉ cần thông qua vài cú lướt màn hình.

Đơn cử như hiện nay, một số ngân hàng lớn và các ngân hàng số mới đã nhanh chóng áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để thực hiện mở tài khoản cho khách hàng online, chỉ trong vòng vài phút xác thực giấy tờ và nhận diện khuôn mặt.

Không chỉ mở tài khoản, việc mở thẻ tín dụng, vay tiền, gửi tiết kiệm, mua sắm trong hệ sinh thái… cũng đều được chuyển dần lên online để đáp ứng “Văn hóa now”. Một số ngân hàng tiên phong trong các dịch vụ này phải kể đến ngân hàng số Timo với việc cấp thẻ Visa hạn mức lên đến 500 triệu cho khách hàng hoàn toàn online, cũng chỉ qua vài phút xác nhận giấy tờ.

Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều động thái để thúc đẩy ngân hàng tăng tốc số hoá. Cụ thể, trong Quyết định 810 ngày 11/05/2021 của NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã nêu ra mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

{keywords}
Ông Phạm Quang Minh.

Rõ ràng, chỉ có công nghệ hiện đại và cách làm hoàn toàn mới sẽ giúp các ngân hàng trở nên tốc độ và linh hoạt để đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng trong thời đại “Văn hoá now”.

Các ngân hàng truyền thống được xây dựng với công nghệ lõi thế hệ thứ nhất, thứ hai và thứ ba trên cấu trúc nguyên khối monolith và modular vốn dĩ không linh hoạt, chậm và khó để tăng quy mô, đổi mới, thời gian đưa được một sản phẩm mới ra thị trường có thể mất tới hàng năm. Công nghệ này cũng không thể cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, chi phí duy trì hệ thống cũng tốn kém.

Giải pháp để giúp các ngân hàng truyền thống giải quyết các nhược điểm này chính là công nghệ ngân hàng lõi thế hệ thứ tư hoạt động hoàn toàn trên nền tảng điện toán đám mây. Công nghệ này cùng với cách tiếp cận Ngân hàng kết hợp (Composable banking), sử dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, API… cho phép các bộ phận độc lập như phần mềm lõi (core engine), các hệ thống và các bộ phận kết nối (connectors) phối hợp, sắp xếp lại với nhau theo bất cứ hình dạng nào, để tạo nên một ngân hàng số, hay một sản phẩm dịch vụ tài chính mà ngân hàng mong muốn.

Ở góc độ bảo mật, giải pháp hoạt động trên mô hình SaaS đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu nhờ các lớp bảo mật khắt khe và được chính các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đảm bảo an ninh tốt nhất.

Các ngân hàng số mới ở Việt Nam như TNEX, Timo hay Cake đều áp dụng giải pháp tổng thể này để gia nhập thị trường, đáp ứng xu hướng nhanh và liên tục thay đổi.

Ngân hàng số Cake có được một triệu khách hàng chỉ sau 11  tháng khi cho ra thị trường Super Saves. Đây là ứng dụng cho phép khách hàng tiết kiệm từng gói nhỏ, nhưng vẫn có thể rút ra tiêu dùng khi cần đến mà không mất lãi tiền gửi. Chỉ có công nghệ ngân hàng lõi thế hệ thứ tư mới tạo ra được sản phẩm linh hoạt và khách hàng là trung tâm.

Còn trên thế giới, công nghệ lõi thế hệ thứ tư và cách tiếp cận Composable Banking cũng đã được nhiều ngân hàng áp dụng. Ví dụ như “người khổng lồ” Hà Lan - Ngân hàng ABN AMRO đã cho ra mắt New10 – dịch vụ cho vay kỹ thuật số với khoản vay từ 20.000 đến 1 triệu Euro.

Cách tiếp cận “Composable banking” giúp New10 có thể duyệt các khoản vay trong 15 phút và giải ngân ngay trong 2 ngày làm việc. Chỉ sau 6 tháng, New10 đã mở được hơn 2.000 tài khoản, với hơn 100 khoản vay mới, trong đó trên 65% là các khách hàng mới.

Như vậy khi xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, các ngân hàng cũng cần có sự thay đổi để phù hợp và cạnh tranh. Chuyển đổi số với công nghệ và cách tiếp cận mới, hiện đại sẽ giúp cho các ngân hàng đạt được tốc độ. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ đạt được sự linh hoạt, và tiết giảm được nguồn lực trong cuộc đua mà mỗi phút đều trở nên quý giá.

Phạm Quang Minh (TGĐ Mambu Việt Nam)

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích.