HSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ dùng các kết quả thanh tra để có sự can thiệp sâu hơn ở Eximbank và giải quyết các bất đồng kéo dài về mặt sở hữu.

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa mới đưa ra báo cáo nhận định về các vấn đề liên quan đến Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB-Eximbank).

Thái độ cứng rắn

Theo đó, HSC cho rằng NHNN đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với vấn đề xung đột giữa các nhóm cổ đông của EIB và hàm ý rằng NHNN có thể có sự can thiệp mạnh hơn ở đây.

Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Eximbank không vướng phải những vấn đề về tài chính, mà chủ yếu do các cổ đông lớn, cổ đông tổ chức chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Gốc rễ sở hữu chéo ở Eximbank cần được làm sáng tỏ. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đang tiếp tục thanh tra đột xuất ở Eximbank và sẽ chấn chỉnh hậu thanh tra ở một số ngân hàng khác.

{keywords}

Quang cảnh náo loạn tại Đại hội đồng cổ đông lần 2 của Eximbank

“NHNN đứng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào, không chịu sức ép của bất cứ ông chủ ngân hàng nào và tôi xin khẳng định không nhóm lợi ích nào có thể gây sức ép với NHNN. Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng luật định”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cũng nói về việc đẩy nhanh hơn nữa các biện pháp tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, bao gồm 3 ngân hàng đã được mua 0 đồng trước đó và một vài ngân hàng yếu kém khác không nêu tên. NHNN đang trong quá trình xây dựng phương án tái cơ cấu để trình lên thủ tướng.

HSC phân tích, dù không nêu rõ, nhưng có vẻ ở đây, nhóm cổ đông đồng thời sở hữu ngân hàng Nam Á và EIB đang được đề cập đến. NHNN đang tiến hành thanh tra đột xuất đối với EIB. Công ty chứng khoán này cho rằng, một trong các nội dung chủ yếu của đợt thanh tra liên quan đến việc tổ chức hai đại hội cổ đông gần đây của ngân hàng, đặc biệt trong vấn đề kiểm phiếu.

Như vậy có thể thấy, NHNN sẽ cử người đại diện cho phần vốn nhà nước thông qua sở hữu cổ phần tại Eximbank của Vietcombank.

Tháng 4/2016, ông Cao Xuân Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, xin từ nhiệm vì lý do cá nhân, hiện vị trí này chưa có người thay thế.

Giải quyết bất đồng sở hữu

Tới đây, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Thông tin công bố gần nhất, EIB đã gia hạn thời gian nhận hồ sơ tham gia ứng cử, đề cử ứng viên để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 đến cuối ngày 14/7 thay vì 30/6 như trước đó.

Trong đại hội cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 2/8 tới đây, các cổ đông có thể sẽ bầu thêm 3 thành viên HĐQT, nâng tổng số thành viên HĐQT lên 11 người cho nhiệm kì 5 năm.

Tới cuối ngày 30/6, tức thời điểm sau bài phát biểu với báo giới của Thống đốc, EIB cho biết đã nhận được hồ sơ của 6 ứng viên để bầu bổ sung vào thành viên HĐQT trong ĐHCĐ bất thường sắp tới.

Theo HSC, các đồn đoán trên thị trường cho thấy có tới 4 trong số 6 ứng viên là đại diện của nhóm cổ đông có liên quan đến ngân hàng Nam Á. Nếu như những đồn đoán này là đúng, nỗ lực lớn của nhóm cổ đông trên để giành thêm ghế tại HĐQT EIB khá rõ ràng.

Hiện, nhóm cổ đông ngân hàng Nam Á mới chỉ có một đại diện trong HĐQT hiện tại. Cũng nhóm cổ đông này đã gửi yêu cầu tới NHNN yêu cầu đại hội cổ đông tới đây phải đưa vào chương trình nội dung bãi miễn tất cả thành viên HĐQT đương nhiệm, đồng thời cho phép những người có số cổ phần đạt 10% được giới thiệu người vào HĐQT.

Với những diễn biến tại Eximbank, HSC nhận định NHNN có thể sẽ dùng các kết quả thanh tra để có sự can thiệp sâu hơn ở ngân hàng này và giải quyết các bất đồng kéo dài về mặt sở hữu. Quá trình này có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng và làm chậm lại hoạt động tái cơ cấu của ngân hàng này.

Trước đó, Eximbank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2 lần, lần 1 tổ chức vào 29/4 đã bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia theo quy định. Lần 2 được tổ chức vào cuối tháng 5 nhưng đã có các bất đồng lớn giữa các nhóm cổ đông nên không thông qua được các vấn đề quan trọng.

Phát biểu về vấn đề này trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Đắc Sinh - chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho rằng việc Eximbank tổ chức đại hội hai lần đều không thông qua được các vấn đề quan trọng và xảy ra các vụ lùm xùm làm mất uy tín một ngân hàng đại chúng.

Ông Sinh cũng nêu quan điểm là “những kiến nghị vừa qua của cổ đông lớn, trong đó có yêu cầu bầu lại HĐQT là hợp lý. Ngân hàng Nhà nước nên có thái độ kiên quyết xử lý vấn đề này theo hướng cổ đông có vốn phải được cử đại diện vào trong HĐQT mới giải quyết được dứt dạt lùm xùm tại Eximbank”.

(Theo Zing)