Ngân hàng Vietcombank vừa quyết định định giảm mạnh lãi suất như một tín hiệu đầu tiên cho thấy áp lực về mặt bằng lãi suất năm 2019 trên bình diện chung không quá đáng lo ngại. Định hướng của NHNN cũng là không tăng lãi suất và hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa quyết định giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn VNĐ thuộc lĩnh vực ưu tiên theo qui định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2019.

Theo đó, VCB áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019.

VCB cũng giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn VNĐ hiện tại của doanh nghiệp.

Rất nhiều các lĩnh vực được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất nói trên như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại; Phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;  Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.

Dấu hiệu giảm khá mạnh lãi suất trên diện rộng và ở ngay đầu năm 2019 đã phần nào làm giảm bớt lo ngại về áp lực khó giảm lãi suất trong năm 2019 sau khi hệ thống ngân hàng chứng kiến một đợt tăng lãi suất huy động vào cuối năm vừa qua. 

{keywords}
Các ngân hàng vẫn kiểm soát khá tốt lãi suất cho vay.

Trong 2 tháng cuối /2018, lãi suất huy động bất ngờ tăng mạnh ở nhiều ngân hàng. VPBank công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới công 0,5% cho nhiều kỳ hạn với lãi suất lên tới 7,8%-8/năm. ACB tăng thêm 0,2% so với biểu cũ lên khoảng 6-6,1%. Techcombank tăng tương tự 1-2 điểm phần trăm lên mức cao nhất là 7%/năm.

Một số ngân hàng còn đẩy lãi suất tiết kiệm lên trên 8%/năm. OCB áp dụng cho khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm với lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 8,2%/năm. VietCapitalBank huy động với lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm.

Một số dự báo cho rằng, lãi suất huy động tăng khá mạnh vào cuối năm trước sẽ gây áp lực lên lãi suât cho vay với độ trễ khoảng 3 tháng, tức vào khoảng tháng 3 năm 2019.

Tuy nhiên, theo NHNN, hiện tượng lãi suất huy động tăng vào dịp cuối năm là điều thường thấy. Theo đó, thường cuối năm nhu cầu vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tăng, vì vậy nhu cầu vốn của các ngân hàng cũng lớn để đảm bảo thanh khoản. Do đó, một số ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động những tháng cuối năm.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong những tháng đầu năm 2018 lãi suất có xu hướng giảm, còn đến cuối năm thì tăng. Vì vậy, so sánh lãi suất những tháng cuối năm so với mặt bằng những tháng đầu năm cũng chỉ ở mức tương đương, thậm chí thấp hơn một chút.

Mặt bằng lãi suất năm 2018 được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định với lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm.

NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD...

Về điều hành lãi suất năm 2019, lãnh đạo NHNN cho biết NHNN sẽ theo dõi sát sao các biến động trên thị trường và các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của Mỹ để có chính sách điều hành phù hợp.

Trong năm vừa qua, nhiều ngân hàng đã giảm được nợ xấu đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro. Đây là yếu tố giúp các ngân hàng có thể kiểm soát và giảm lãi suất, hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp theo các chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế.

Theo định hướng của NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2019 dự kiến tương đương với năm 2018, tức khoảng 14%. Dòng vốn sẽ được tập trung dòng vốn hướng vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng chảy của tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT...

M. Hà