Ngày 13/9, Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu - Trưởng ban chỉ đạo 138/TP - đã có báo cáo sơ kết năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Biến tướng theo… COVID-19

Theo báo cáo, tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội của người dân TPHCM, nhất là người lao động phổ thông, thu nhập thấp và các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn cao. Từ đó, hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và các hành vi phạm pháp liên quan tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Tình trạng các băng nhóm tội phạm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc vào TPHCM hoạt động cho vay lãi nặng tiếp tục diễn ra. Thủ đoạn của các nhóm này là thuê và sử dụng số đối tượng côn đồ, nghiện ma túy để thực hiện thay các hoạt động cho vay như: phát, dán tờ rơi; đòi nợ, siết nợ, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người dân. Tại một số địa bàn, các đối tượng còn hoạt động thông qua “cò” môi giới tìm kiếm người vay và thu tiền giúp.

Công an quận Tân Phú khởi tố, bắt nhóm cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn và các quận huyện lân cận. Ảnh tư liệu từ Công an TPHCM
Công an quận Tân Phú khởi tố, bắt nhóm cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn và các quận huyện lân cận. Ảnh tư liệu từ Công an TPHCM

Hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” có nhiều thay đổi theo hướng càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn, luôn có nhiều cách để đối phó với cơ quan chức năng.

Chẳng hạn các băng nhóm cư trú tại một nơi nhưng hoạt động tại nơi khác mà không đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Các đối tượng tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lập website, dùng trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...), ứng dụng trên điện thoại di động để tiếp cận “con mồi”. Lãi suất vay khoảng dưới 20%/năm, nhưng phí cho mỗi khoản vay rất cao. Nếu cộng cả lãi và tính ra tỷ lệ % có thể lên tới 30-50%/tháng.

Với hình thức giao dịch này, người đi vay hoàn toàn không biết người/tổ chức cho vay, các giao dịch đều được thực hiện trên mạng nên sẽ khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để xử lý đối tượng.

Khi không trả nợ hoặc chậm trả, người vay sẽ bị các đối tượng đe dọa trực tiếp hoặc gọi điện cho người thân thông qua danh bạ điện thoại trước đó đã bị buộc đồng bộ, hòng gây áp lực buộc trả nợ. “Tín dụng đen” còn “khủng bố” bằng chiêu tung tin lên mạng xã hội, gửi thông tin vay đến nơi làm việc, đến tất cả những người có trong danh bạ điện thoại di động của người vay tiền...

Đối tượng “khách hàng” mà bọn họ nhắm tới vẫn là những thành phần khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, muốn “vay nóng” không mất nhiều thời gian hoặc không có nhiều tài sản để thế chấp. Đa số nạn nhân có trình độ nhận thức còn thấp, số tiền cần vay không nhiều...

Một số băng nhóm hoạt động núp bóng doanh nghiệp kinh doanh như công ty tư vấn tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại... được tổ chức chặt chẽ, ngụy trang hành vi cho vay bằng các hợp đồng giả cách, cho khách vay ký giấy mượn nợ không đúng với lãi suất thực tế (thường ký giấy mượn nợ 5%/tháng nhưng thực tế lên đến 20-30%/tháng).

Các băng nhóm này thường nhằm vào các khu vực đông dân cư, khu vực nhiều công nhân, sinh viên, khu vực tập trung nhiều hộ kinh doanh nhỏ... để có thể lôi kéo được càng nhiều người vay tiền càng tốt.

Mỗi ngày có gần 2 vụ gây rối liên quan “tín dụng đen”

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, qua năm thứ hai triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này có sự chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đều bị đưa vào diện quản lý, giám sát; địa bàn, số đối tượng hoạt động bị thu hẹp; số vụ tạt chất bẩn giảm, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ lực lượng chức năng trong việc đẩy mạnh đấu tranh với loại tội phạm này.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn tiềm ẩn phức tạp. Dự báo tình hình sắp tới, các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan…) có xu hướng chọn địa bàn TPHCM hoạt động cho vay trực tuyến thông qua các ứng dụng điện thoại, website... để thực hiện các hành vi vi phạm ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khác.

Ông Châu kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định chế tài xử lý đối với hành vi này là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, đây là mức chế tài khá nhẹ so với mức lợi nhuận mà hoạt động này mang lại nên chưa đủ sức răn đe tội phạm.

Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt nam cần có chính sách thuận lợi, đa dạng, nhanh chóng cho người dân có cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn từ ngân hàng, công ty tài chính để hạn chế tình trạng người dân vay tiến của các đối tượng cho vay lãi nặng.

Đồng thời, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng trong đó có “tín dụng đen” và sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013-NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng.

Theo số liệu thống kê từ 15/4/2020 đến 14/4 năm nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 580 lượt các đối tượng tạt chất bẩn vào nhà người dân để đòi nợ, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Kèm theo đó có 95 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... tương đương giảm 33 vụ so cùng kỳ.

Cũng trong khoảng thời gian trên, công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại thành phố là 57 vụ việc gồm các hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật...

Công an cũng đã lập danh sách, áp dụng đối sách quản lý với 669 cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng, trong đó xác định có 29 băng nhóm với 102 đối tượng cùng 567 đối tượng lẻ khác.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Người phụ nữ đi vay 300 triệu, bị ép nộp phí hơn 1,1 tỷ đồng

Người phụ nữ đi vay 300 triệu, bị ép nộp phí hơn 1,1 tỷ đồng

Thấy thủ tục dễ và khoản vay lãi suất thấp, chị D đã nhiều lần chuyển tiền phí lên đến hơn 1,1 tỷ cho các đối tượng nhưng vẫn không được giải ngân.