Kỷ lục lịch sử 30 năm

Trong phiên cuối cùng của tháng 8, thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm do hoạt động chốt lời. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch cho thấy những tín hiệu tích cực và đây là một cú hích mạnh cho đương kim tổng thổng Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong phiên giao dịch 31/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 200 điểm xuống còn 28.430 điểm nhưng khép lại một tháng 8 có kết quả tốt nhất trong gần 30 năm qua. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm nhẹ 0,2% nhưng tính chung tăng mạnh trong tháng 8 và đây là tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiếp tục bứt phá, tăng thêm 0,7% lên đỉnh cao lịch sử mới: 11.775,46 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục duy trì đà hứng khởi sau khi các ông lớn công nghệ của Mỹ khẳng định sức mạnh với kết quả kinh doanh tốt, vượt lên trên ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và có triển vọng khá tươi sáng.

Cổ phiếu Apple tăng mạnh hơn 3% sau khi thực hiện cú chia tách theo tỷ lệ 4:1 (các nhà đầu tư nắm giữ 4 cổ phiếu có thêm 1 cổ phiếu), trong khi đó cổ phiếu xe ô tô điện Tesla của tỷ phú Elon Musk bứt phá gần 13% sau khi chia tách với tỷ lệ 5:1.

{keywords}
Diễn biến các tháng 8 tăng mạnh trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ.

Như vậy, cả 3 chỉ số chứng khoán của Mỹ đều đang ở vùng đỉnh cao lịch sử và đã tăng 60-75% trong vài tháng qua. Các tín hiệu cho thấy, đà tăng trong tháng 8 đã chính thức xác nhận một kỳ tăng giá mới.

Trên CNBC, thống kê cho thấy, 60 năm qua, chỉ số S&P 500 chỉ có 26 lần tăng 5 tháng liên tiếp và 96% số trường hợp này tiếp tục tăng điểm trong 1 năm sau đó.

Chứng khoán Mỹ có triển vọng tươi sáng còn nhờ những thay đổi chính sách tiền tệ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hôm 27/8, Fed đã gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 30 năm qua để hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định sẽ không nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát có thể tăng cao trong tương lai. Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều đó có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát tăng nóng, cao hơn mức này.

Những tuyên bố của chủ tịch Fed Jerome Powell đồng nghĩa với việc Fed đã sẵn sàng giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, với lãi suất sát 0%, kéo dài thêm nữa. Fed sẽ có xu hướng ít tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, miễn là lạm phát trung bình không vượt quá mục tiêu. Một số đánh giá cho rằng, với cách tiếp cận mới, Fed có khả năng giữ lãi suất ngắn hạn ở gần mức 0% trong 5 năm hoặc hơn.

{keywords}
Chỉ số Nasdaq Composite của Mỹ tiếp tục tăng lên đỉnh cao lịch sử mới.

Nước Mỹ chờ thêm một lần khác biệt

Thường thì, tháng 9 trong năm bầu cử là tháng có lịch sử hoạt động kém nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia trên CNBC dự báo năm nay sẽ khác cho dù cuộc bầu cử vào tháng 11 tới có thể khiến thị trường biến động mạnh.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có một đợt điều chỉnh giảm nhẹ trong tháng 9 sau cú bứt phá 60-70% trong vài tháng vừa qua. Tuy nhiên, đà tăng giá mạnh trong tháng 8 sẽ giúp chứng khoán Mỹ tiếp tục giữ vững xu hướng đi lên.

Xu hướng biến động trên thị trường sẽ rõ ràng hơn sau ngày Lễ Lao động Mỹ (Labor Day) -ngày lễ liên bang tại Mỹ được tổ chức vào thứ Hai đầu tiên của tháng 9, để tôn vinh và ghi nhận phong trào lao động Mỹ và đóng góp của người lao động nước này.

Chứng khoán Mỹ có thể sẽ chuyển biến tiêu cực nếu thăm dò cho thấy phía Dân chủ mạnh áp đảo và có thể chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng như hai viện của quốc hội Mỹ.

Nhưng, dấu hiệu tươi sáng đã trở lại khi ông Donald Trump đang lấy lại vị thế của mình. Số liệu từ các cuộc khảo sát lớn được tính toán trên RealCearPolitics cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden chỉ còn dẫn trước ông Trump 6,9 điểm phần trăm, thay vì mức 2 con số như trước đó.

Ngày Lễ Lao động Mỹ được xem là thời điểm các cuộc khảo sát có kết quả sát với kết quả thực tế hơn.

{keywords}
Ông Donald Trump và ông Joe Biden (Ảnh: AFP).

Trên CNBC, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Ironsides Macroeconomics Barry Knapp cho rằng, khoảng 1 tháng trước ông Trump khá yếu thế nhưng giờ dường như ông sẽ có thêm một chiến thắng nữa. Giới đầu tư đang đánh cược vào những biến động lớn trên thị trường cổ phiếu trong tháng 10 và tháng 11.

Tại Thượng viện Mỹ, cuộc đua cũng rất gay cấn và có tín hiệu Đảng Cộng hòa sẽ nắm được quyền chi phối. Trong khi đó, Hạ viện nhiều khả năng vẫn nằm trong tay người của Đảng Dân chủ. Cuộc tranh luận đầu tiên vào 29/9 sẽ là sự kiện quan trọng với các thị trường. Khi đó, ứng cử viên nào vượt lên trên sẽ mang động lực cho đảng của họ trong cuộc đua tại quốc hội.

Cuộc tranh luận sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng. Tuy nhiên, các thị trường sẽ không hài lòng nếu ông Trump hay ông Biden có lợi thế áp đảo. Jim Paulsen, chiến lược gia trưởng trong mảng đầu tư của Leuthold Group chia sẻ trên CNBC, phần lớn nhà đầu tư sẽ không cảm thấy hài lòng nếu một đảng có cả 3 quyền (tại Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội) và thoái mái làm gì họ muốn trong 2 năm đầu nhiệm kỳ.

Điều mà các thị trường quan tâm nhất là cuộc đua tại Thượng viện Mỹ. Các nhà đầu tư lo lắng các loại thuế sẽ được điều chỉnh tăng lên nếu phía Dân chủ nắm được quyền lực.

Tại Mỹ, tháng 9 còn là một tháng đầy ắp sự kiện, bắt đầu từ báo cáo việc làm tháng 8 sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Sau đó, Fed sẽ có cuộc họp chính sách định kỳ vào 15-16, thảo luận sâu hơn về chính sách lãi suất trung bình vừa được đưa ra. Ngoài ra, quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua kế hoạch ngân sách và có thể bàn tới gói kích thích kinh tế mới.

M. Hà