Trước khi nghĩ đến việc tăng hay thêm một loại thuế phí nào, thì hãy nghĩ đến việc quản lý chặt thu chi ngân sách trước. Dù việc đó có khó hơn là đặt ra thêm loại thuế phí thu của dân, nhưng nên nhớ rằng sức chịu đựng của dân lúc nào cũng chỉ có giới hạn.

Thực hư cử tri kiến nghị thu phí khí thải: Tại sao Bộ Tài chính nói thế?

Đi ô tô chịu thêm phí mới: Đánh mạnh vào túi tiền dân, ai dám mơ xế hộp

Việc Bộ Tài chính thúc giục 6 Bộ đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đã gây xôn xao dư luận khi những chiếc ô tô, xe máy có khả năng phải gánh thêm một loại phí.

Dù mới chỉ là đề xuất rất “sơ khai”, nhưng dư luận đã bày tỏ sự ngỡ ngàng trước tên gọi của loại phí này: Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Càng ngỡ ngàng hơn, khi xăng dầu từ năm 2012 đến nay cũng đã phải chịu một loại thuế là thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường này liên tục tăng lên, từ mức 1.000 đồng/lít xăng vào năm 2012 đã vọt lên con số 3.000 đồng/lít từ năm 2015 và ít ngày nữa sẽ tăng lên 4.000 đồng/lít vào 1/1/2019. 

{keywords}
Đi ô tô, xe máy, người dân đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Riêng việc thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu này đã giúp ngân sách thu được tới hơn 50.000 tỷ đồng mỗi năm – một con số rất lớn.

Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí, gánh nặng thuế phí... là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại những ngày gần đây để phản ứng với đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Một thắc mắc khác được nhiều người quan tâm là số thuế, phí bảo vệ môi trường hiện nay đang được thu và chi thế nào, để đến nỗi môi trường vẫn bị đánh giá là “ô nhiễm” ở nhiều nơi.

Thực tế, số thu thuế, phí được hòa vào ngân sách nói chung. Trong số hơn 1 triệu tỷ đồng thu ngân sách hàng năm, thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chiếm 1%.

Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, năm 2018 số tiền ngân sách dành để chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là hơn 15.000 tỷ đồng (trên tổng số thu ngân sách 2018 là trên 1,3 triệu tỷ đồng). Trong 3 năm (2016 - 2018), tổng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của cả nước là 41.270 tỷ đồng.

Số tiền “khiêm tốn” ấy cũng còn tiêu không hết. Chẳng hạn, năm 2017 bị hủy dự toán là hơn 226 tỷ đồng do quá thời gian phân bổ. Năm 2018 chưa giao dự toán cụ thể đối với nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích là 113 tỷ đồng. Một số địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thấp hơn 1% so với mức Bộ Tài chính giao.

“Việc giải ngân ngân sách nhà nước năm 2018 cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn chậm. Ủy ban KH,CN&MT cho rằng nguyên nhân chính là các chủ đầu tư còn thiếu thực tế khi chuẩn bị đầu tư, thiếu quyết liệt khi thực hiện đầu tư và quyết toán, giải ngân”, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét.

Nhắc đến chuyện thu thuế phí, một nhà kinh tế đã nói thẳng rằng: Nợ công hơn 3,4 triệu tỷ đồng, chi tiêu lớn dẫn đến ngân sách thâm hụt, cắt giảm thuế quan khiến số thu ngày càng khó... là những nguyên nhân chủ yếu khiến cơ quan nắm tay hòm chìa khóa như Bộ Tài chính phải đối mặt với áp lực. 

{keywords}
Nợ thuế không có khả năng thu hồi lên đến 35 nghìn tỷ đồng thì ai phải chịu trách nhiệm?

Thực tế dư địa để ngành Tài chính cải thiện được nguồn thu vẫn còn rất lớn. Chưa nói đến những cải cách lớn lao ở bình diện quốc gia, chỉ riêng việc thực hiện được các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước mỗi năm, thì ngân sách đã có thêm hàng ngàn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ví dụ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu thuế của Sabeco với con số gần 4.000 tỷ đồng, nhưng đến nay số thuế ấy vẫn chưa thể thu được. Còn Sabeco, từ một DN Việt đến nay đã thành DN “ngoại”, nên để thu được số tiền kia càng khó hơn.

Với 140 báo cáo kiểm toán của năm 2018, thì kết quả xử lý tài chính đã lên đến con số hơn 56.000 tỷ đồng trong đó kiến nghị tthu về ngân sách nhà nước trên 8.300tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 30.000tỷ đồng .

Kiểm toán ngân sách địa phương của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc quản lý và thực hiện thu ngân sách không chặt chẽ, bỏ sót nguồn thu, tình trạng trốn thuế, nợ thuế, thất thu ngân sách còn lớn. Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.605 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 41 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 1.769 tỷ đồng, nợ đọng thuế phát hiện tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng.

Còn số nợ thuế ngành Tài chính đang phải đôn đốc thu nộp cũng lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. Trong đó, số nợ khó đòi, không thể thu hồi lên tới gần 35 nghìn tỷ đồng và vẫn tăng đều đặn hàng năm.

Cho nên, trước khi nghĩ đến việc tăng hay thêm một loại thuế phí nào, thì hãy nghĩ đến việc quản lý chặt thu chi ngân sách trước. Xử lý triệt để chi tiêu, đầu tư lãng phí - sai phạm, truy xét đến cùng những đối tượng chây ì, trốn thuế.

Lương Bằng

Đổ xăng đi ô tô, xe máy: Dân sắp chịu thêm 1 loại phí mới?

Đổ xăng đi ô tô, xe máy: Dân sắp chịu thêm 1 loại phí mới?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.