Theo South China Morning Post, việc đào Bitcoin đòi hỏi sức mạnh vi tính và nguồn năng lượng khổng lồ. Do đó, các dự án đào Bitcoin tại Trung Quốc tập trung ở những vùng có giá điện thấp như Nội Mông, Tứ Xuyên và Tân Cương.

Chính quyền Trung Quốc cam kết giảm lượng khí thải carbon sau năm 2030. Trong số 30 khu vực bị chính quyền Bắc Kinh giám sát về tiêu thụ năng lượng, khu tự trị Nội Mông là nơi duy nhất không đạt chỉ tiêu hồi năm 219. Do đó, Nội Mông buộc phải cắt giảm tiêu thụ điện.

{keywords}
Các thuật toán khai thác Bitcoin đòi hỏi nguồn năng lượng cực lớn. Ảnh: Bloomberg.

Kế hoạch dừng các dự án đào Bitcoin được chính quyền Nội Mông công bố hồi tuần trước. Nhà chức trách sẽ thu thập ý kiến công chúng về kế hoạch này cho đến hết ngày 4/2.

Giá Bitcoin tăng vọt trong vòng một năm qua, hiện dao động ở mức gần 48.500 USD/đồng. Trung Quốc cấm giao dịch tiền mã hóa hồi năm 2019 vì lo ngại chúng ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tài chính. Tuy nhiên, hoạt động đào Bitcoin không bị cấm.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc mới đây đề xuất giảm mức tiêu thụ năng lượng năm 2021 của Nội Mông khoảng 3% so với năm 2020. Các công ty nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu trong các ngành thép, hợp kim, than cốc, điện chạy than... sẽ bị đóng cửa vào cuối năm 2022.

Ngành công nghiệp khai thác Bitcoin bị đánh giá là "siêu bẩn". Theo Bloomberg, ước tính mỗi năm hoạt động khai thác Bitcoin xả ra môi trường khoảng 37 triệu tấn CO2, tương đương mức xả thải của cả New Zealand. Digiconomist xác định một giao dịch Bitcoin tạo ra lượng CO2 tương đương 706.756 lần quẹt thẻ tín dụng Visa.

(Theo Zing)