Một đợt sắp xếp, tiết kiệm được 11 nghìn tỷ

Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 đang được triển khai mạnh mẽ.

{keywords}
Chi cho bộ máy chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng chi ngân sách.

Tại cuộc gặp mặt báo chí vào những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đã được Bộ Tài chính quán triệt sâu sắc. Kết quả năm 2018, toàn ngành tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối đơn vị như: giải thể, sáp nhập 43 Phòng giao dịch Kho bạc nhà nước cấp tỉnh; hợp nhất, sáp nhập 43 Phòng giao dịch Kho bạc nhà nước cấp tỉnh; hợp nhất, sáp nhập Chi cục Thuế quận huyện thành Chi cục Thuế khu vực tại 6 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Lâm Đồng, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Không chỉ Bộ Tài chính, sau Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2018 là 40.500 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người).

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, công tác cải cách tổ chức bộ máy ở các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến rõ nét và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các quy định của Đảng và của pháp luật về tổ chức, sắp xếp bộ máy.

Cụ thể, Bạc Liêu giảm 2 cơ quan khi Hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ; hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch

Bắc Ninh giảm 1 cơ quan khi giải thể Sở Ngoại vụ. Hà Giang giảm 1 cơ quan khi thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức tỉnh Ủy và Sở Nội vụ. Lào Cai giảm 1 cơ quan khi kợp nhất Sở Giao thông, vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông, vận tải - Xây dựng.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện cũng giảm mạnh với số lượng giảm là 185 cơ quan của 15 tỉnh thành.

Chưa kể, với việc bỏ 6 tổng cục, tổ chức lại 2 bộ tư lệnh theo mô hình cục, Bộ Công an đã giảm 35 lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương.

Kết quả của cuộc sắp xếp bộ máy quy mô lớn này đã được “đo đếm” bằng con số cụ thể.

Thảo luận tại Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, sáng 18/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về cải cách bộ máy đã không chỉ giảm được hàng trăm nghìn người mà còn góp phần tiết kiệm được hơn 10 nghìn tỷ đồng (chưa kể 1.000 tỷ từ Bộ Công an).

“Với nguồn lực tiết kiệm được, các bộ ngành, địa phương có thể tăng cường trang biết bị, điều kiện để các cán bộ, công nhân viên làm việc tốt và hiệu quả hơn”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

{keywords}
Bộ Công an đã giảm 35 lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương.

Giảm gánh nặng chi “nuôi” bộ máy

Đoàn giám sát về cải cách bộ máy hành chính nhà nước 2011-2016 của Quốc hội từng nhấn mạnh về tình trạng bộ máy cồng kềnh mà vẫn “thiếu người đi họp”. Chẳng hạn, theo đoàn giám sát của Quốc hội, một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định. Thế nhưng, Đoàn giám sát của Quốc hội vẫn ghi nhận thực tế ở nhiều địa phương do quá nhiều cuộc họp, hội nghị triển khai công việc, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên,... nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp.

Kết quả việc tự chủ với đơn vị sự nghiệp cũng còn khiêm tốn. Trong số hơn 30 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ có hơn 1.000 là tự chủ được chi phí hoạt động, còn lại vẫn do ngân sách đảm bảo một phần hay toàn bộ.

Với việc bước đầu sắp xếp lại bộ máy, ngân sách đã tiết kiệm được 11 nghìn tỷ đồng như Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin, thì dư địa để giảm gánh nặng chi thường xuyên còn rất nhiều. Bởi lẽ, mỗi năm ngân sách dành tới 900 nghìn tỷ đồng cho chi thường xuyên.

Thực tế, theo Bộ Tài chính, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ trọng chi thường xuyên năm 2018 của cả nước còn 63,3%, giảm 1,6% so với năm 2017 (mặc dù vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm).

Con số này thấp hơn kế hoạch 2016-2020 (dưới 64%), góp phần giảm mạnh nợ công từ mức 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% GDP năm 2018 (theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018).

Tuy chi thường xuyên đã giảm so với những năm trước đây, nhưng điều đó vẫn chưa thể hài lòng. Chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (chiếm 60-70%), nên việc điều chỉnh, cơ cấu lại phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giảm biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Trong khi đó, thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn chỉ ra nhiều mặt hạn chế của công tác này.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: Cơ cấu chi ngân sách nhà nước có chuyển dịch theo hướng tích cực là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ. Tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước.

Mặt khác, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công (bình quân khoảng 7%/năm) vẫn phải thực hiện. Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách lo ngại việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập sẽ dẫn đến khó tỷ trọng giảm chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách.

Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách nhà nước bền vững và chắc chắn, không nên tăng lương bằng mọi giá, có thể dẫn đến nguy cơ làm thay đổi bản chất của ngân sách nhà nước: từ ngân sách phát triển chuyển thành ngân sách nặng chi cho tiêu dùng, gây áp lực lớn cho cân đối ngân sách các năm tiếp theo.

Hà Duy