Gia tộc lưu vong

South China Morning Post vừa có một thông tin gây sốc cho biết cựu nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã sử dụng hộ chiếu Campuchia để đăng ký làm giám đốc một doanh nghiệp ở Hong Kong. Bà Yingluck sau đó được bổ nhiệm là chủ tịch của công ty vận hàng cảng Shantou International Container Terminals ở Quảng Đông, Trung Quốc.

Việc bà Yingluck có hộ chiếu Campuchia và thành lập công ty tại Hong Kong củng cố giả thiết rằng bà đã trốn khỏi Thái Lan năm 2017 với sự trợ giúp của nước ngoài.

Vấn đề bà Yingluck trốn bằng cách nào giờ đây có lẽ không còn quá quan trọng. Khả năng quay trở về nước Thái của bà Yingluck là rất thấp. Dư luận quan tâm xem gia tộc nổi tiếng Shinawatra phiêu bạt nơi nào và còn có ảnh hưởng như thế nào tại Thái Lan sau một loạt biến cố trong hơn 1 thập kỷ qua.

Thông tin của SCMP cho thấy, Trung Quốc có thể là điểm đến của cựu thủ tướng gốc Hoa. 

{keywords}
Theo SMCP, cựu thủ tướng Thái Yingluck có hộ chiếu Campuchia dùng để trốn chạy ra nước ngoài.

Trước đó, ông Thaksin, 69 tuổi, anh trai của bà Yingluck cũng phải trốn chạy sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 nhằm tránh phải thi hành án do bị kết tội tham nhũng và hiện cũng trong tình cảnh lưu vong, lúc xuất hiện ở Arab, Anh, Singapore, Nhật, Trung Quốc,...

Ông Thaksin được cho là đã đăng ký kinh doanh tại Hong Kong với hộ chiếu của Montenegro. Địa chỉ cư trú của cựu thủ tướng Thái Lan trong hồ sơ là Emirates Hill, một khu dân cư dành cho giới nhà giàu ở thành phố Dubai, thuộc Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Hai anh em ông Thaksin và bà Yingluck là người Thái gốc Trung Quốc thế hệ thứ 4. Ngay đầu 2019, bà Yingluck cùng anh trai Thaksin đã có chuyến đi về quê cha đất tổ ở làng Taxia, Quảng Đông và được những người họ hàng tại Trung Quốc chào đón nhiệt tình.

Theo Thanh Niên, một thông tin từ Viện công tố tối cao Thái cho biết, con trai ông Thaksin  là Panthongtae Shinawatra (thường được gọi là Oak, 39 tuổi) vừa được Tòa hình sự nước này cho phép đến Hong Kong để gặp cha và tham dự lễ cưới của em gái, dù đang trong giai đoạn bị cấm xuất cảnh, chuẩn bị hầu tòa.

Gia đình ông Thaksin và cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng bay đến Hong Kong tham dự lễ cưới vào tháng 3/2019.

{keywords}
B Yingluck cùng anh trai Thaksin đã có chuyến đi về quê cha đất tổ ở làng Taxia, Quảng Đông.

Con trai duy nhất của cựu thủ tướng Thaksin xuất cảnh lần đầu tiên kể từ khi bị khởi tố về tội rửa tiền hồi tháng 10/2018 và phải quay về Thái Lan trước ngày 26/3. Nhưng nhiều người chống đối gia đình Shinawatra cho rằng, việc xuất ngoại là cơ hội tẩu thoát của Oak, và con trai ông Thasksin sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để lưu vong như cha nhằm tránh bị xét xử và phải ngồi tù. Nếu bị tuyên có tội, Oak có thể phải ngồi tù đến 10 năm.

Án dồn dập: Dấu chấm hết kỷ nguyên Shinawatra

Những chính sách kinh tế và xã hội đã làm nên dấu ấn lẫy lừng của anh em cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck. Song cũng vì thế đã khiến những người được coi là “cứu tinh” của dân nghèo Thái trở thành cái gai trong mắt giới nhà giàu ở Bangkok.

Đây chính là quả bom hẹn giờ khiến các thành viên của gia đình Shinawatra nổi tiếng nước Thái sụp đổ và bỏ chạy. Cả ông Thaksin, sau này là em gái ông Yingluck bị kết án vì tham nhũng và các chính sách được đánh giá là theo hướng dân túy tốn kém.

Thaksin Shinawatra sinh tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan nhưng tổ phụ đến từ Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Trước khi trở thành thủ tướng Thái, ông Thaksin đứng đầu tập đoàn Shin, kiểm soát công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Thái Lan Avanced Info Service (AIS). Ông là người giàu nhất Thái Lan trước khi chuyển nhượng quyền sở hữu công ty cho gia đình, người giúp việc và tài xế.

{keywords}
Bà Yingluck.

Sau khi nắm giữ chức vụ Thủ tướng (tháng 2/2001), Thaksin Shinawatra đề xướng nhiều chính sách khác nhau ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe xã hội, giáo dục, năng lượng,... Ông thắng lớn trong 2 lần tranh cử sau đó. Các chính sách của Thaksin mang lại hiệu quả đặc biệt vào việc giảm nghèo vùng nông thôn, thiết lập được một nền y tế mà mọi người đều có thể chi trả. 

Tuy nhiên, chính phủ của ông thường xuyên bị thử thách bởi những lý lẽ cho rằng ông lãnh đạo độc đoán, mị dân, tham nhũng, những xung đột về quyền lợi, sử dụng quyền hành thái quá,...

Chính phủ của ông Thaksin bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Ông phải sống lưu vong ở nước ngoài, tránh phải vào tù sau khi bị kết án vắng mặt năm 2008 vì cáo buộc tham nhũng. Ông Thaksin bị tuyên án tù chung thân vì lạm dụng quyền lực để vợ mình là bà Potjaman mua một mảnh đất ở khu vực Ratchadapisek của Bangkok với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Sau này, ông Thaksin còn đối mặt với nhiều vụ kiện, trong đó có vụ năm 2003 khi đang là thủ tướng đương nhiệm và đã phê chuẩn cho phép bộ Tài chính Thái Lan quản lý kế hoạch phục hồi Tập đoàn Công nghiệp hóa chất dầu khí Thái Lan (vốn phá sản năm 1997). Theo cáo buộc, việc làm này là cố ý làm trái pháp luật vì bộ Tài chính Thái Lan không có thẩm quyền điều hành hay quản lý tài sản các công ty tư nhân.

{keywords}
Anh em Thaksin không còn đường trở lại trong khi không còn gương mặt nào có thể thay thế.

Còn bà Yingluck (Thủ tướng Thái từ 8/2011 tới 5/2014) bị kết án 5 năm tù giam vì tội thiếu trách nhiệm trong chương trình lúa gạo gây tranh cãi, với cáo buộc gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Ngoài ông Thaksin và bà Yingluck, gia tộc Shinawatra còn có một người cũng từng làm thủ tướng Thái. Đó là ông Somchai Wongsawat, em rể ông Thaksin, nhậm chức tháng 9/2008. Thế nhưng, không lâu sau đó, số phận của ông Somchai cũng do tòa án định đoạt.

Số tài sản khoảng 1,3 tỷ USD của ông Thaksin đã bị tịch thu, trong khi bà Yingluck đối mặt với khoản bồi thường 1 tỷ USD.

4 năm trôi qua kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, Thái Lan chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử (trong một vài tháng tới) vốn đã bị trì hoãn nhiều lần. Dù vẫn còn sớm nhưng nhiều dự báo cho rằng, khó ai khác đủ điều kiện, khả năng thay thế đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha.

Lệnh cấm các hoạt động chính trị hiện vẫn còn hiệu lực nhằm khống chế hoạt động của phái chính trị “áo đỏ” có liên quan đến gia tộc Shinawatra. Hình ảnh anh em ông Thaksin cũng bị cấm trong tranh cử.

Cái kết của dòng họ Shinawatra giờ đã khá rõ ràng. Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chọn con đường sống lưu vong, giống như anh trai Thaksin. Họ không còn đường trở lại trong khi không còn gương mặt nào có thể thay thế.

Hàng loạt chính sách kinh tế đã đưa anh em bà Yingluck lên đỉnh cao vinh quang, làm nên dấu ấn lẫy lừng nhưng cũng là yếu tố chính dẫn tới sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại Thái Lan và sự sụp đổ của gia đình Shinawatra.

Tới nay, dù di sản của anh em nhà Shinawatra vẫn còn lưu lại rất nhiều trên đất Thái nhưng trong dòng họ danh gia vọng tộc này không còn người đủ tầm cỡ để có thể tiếp tục ván bài chính trị. Danh gia vọng tộc Shinawatra đã hạ màn trên chính trường Thái Lan sau kỷ nguyên lừng lẫy.

V. Hà