Hơn 600 ngàn cổ phiếu cổ phiếu NVL của CTCP Địa ốc No Va (Novaland) đã bị bán tháo. Kết thúc phiên giao dịch vẫn còn dư gần 500 ngàn cổ phiếu NVL được bán ở mức giá sàn, tức giảm khoảng 7% so với phiên liền trước.

Chỉ trong một phiên giao dịch, vốn hóa của Novaland của ông Bùi Thành Nhơn tụt giảm 4.000 tỷ đồng, trong khi túi tiền quy ra từ cổ phiếu của bản thân ông trùm bất động sản phía Nam này giảm khoảng 800 tỷ đồng.

Phiên bán tháo diễn ra trong bối cảnh TP.HCM tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất có vị trí đắc địa thuộc quận Phú Nhuận, đang được Tập đoàn Novaland triển khai dự án.

Thông tin này lập tức lấn át một loạt các thông tin khác mà Novaland công bố, như: tăng vốn điều lệ, góp vốn thêm hơn 2,5 ngàn tỷ đồng vào Công ty TNHH No Va Thảo Điền,...

Gần đây, giới đầu tư nhạy cảm đối với thông tin liên quan tới quá trình mua bán, sở hữu đất của các tập đoàn lớn. Vụ Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà thiếu gia Nguyễn Quốc Cường không được nhận chuyển nhượng mảnh đất vàng 32ha, cùng với sự dậm chân tại chỗ các dự án của QCG khiến cổ phiếu này tụt giảm không phanh về vùng đáy nhiều năm.

Cũng giống như một số tỉnh thành khác, TP.HCM gần đây đẩy mạnh rà soát quá trình xử lý đối với cơ sở nhà đất, quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quá trình thực hiện di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị của các doanh nghiệp. Việc rà soát các dự án NVL theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và sẽ sớm có kết quả. 

{keywords}
Ông trùm bất động sản phía Nam Bùi Thành Nhơn.

Trong một thông cáo báo chí phát ra hôm 8/1, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị TP.HCM “xem xét lại về việc tạm dừng thực hiện các Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của 7 khu đất nêu trên, đồng thời nhanh chóng giúp tháo gỡ các vướng mắc đang gây hoang mang, bức xúc cho người dân... ; bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư”.

Cũng theo Novaland, việc chỉ đạo kịp thời của các ban ngành Thành phố sẽ giảm những tác động xấu ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản TP.HCM cũng như môi trường đầu tư của Thành phố.

Giải thích về 7 khu đất, Tập đoàn Novaland cho biết dự án khu đất 128 đường Hồng Hà và 17-19-21 đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM đã đưa vào sử dụng và đã bàn giao nhà cho khách hàng vào ở, Sở Tài nguyên và môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Trong khi đó, dự án số 8 Hoàng Minh Giám cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý chính của dự án đã được cho phép đưa vào sử dụng và đã bàn giao nhà cho khách hàng. Dự án này hiện chưa được cấp giấy chứng nhận.

5 dự án còn lại cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý chính của dự án, hoàn thiện xây dựng các hạng mục công trình phù hợp với giấy phép xây dựng. 

{keywords}
Thông cáo của Novaland về 7 dự án bị tạm ngừng chuyển đổi mục đích.

Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn trực tiếp nắm giữ gần 191 triệu cổ phiếu NVL, trị giá hơn 11 ngàn tỷ đồng và là cổ đông lớn thứ 2 tại Novaland, với tỷ lệ nắm giữ hơn 21%.

Cổ đông lớn nhất tại Novaland là CTCP Novagroup (nắm giữ 198 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 21,8% cổ phần). Cổ đông lớn thứ 3 là CTCP Diamond Properties (nắm giữ gần 106 triệu cổ piếu NVL, tương đương 11,7%).

Đây là hai công ty do ông Nhơn cùng vợ và 2 con nắm giữ. Tỷ lệ sở hữu của nhà ông Nhơn tại 2 công ty này không được công bố, nhưng trước khi Novaland lên sàn hồi cuối 2016, nhà ông Nhơn nắm giữ 100% vốn tại đây.

Nếu tỷ lệ vẫn được nắm giữ như cũ, tổng cộng ông Nhơn và gia đình đang nắm giữ gần hơn 54% cổ phần của Novaland Group, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá 29.500 tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD).

Ông Bùi Thành Nhơn được xem là tỷ phú USD giàu thứ 4 trên thị trường chứng khoán, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng (khoảng 7 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (3 tỷ USD) và ông Trần Bá Dương Thaco.

Trong 3 tháng vừa qua, cổ phiếu Novaland liên tục giảm, từ đỉnh cao 73.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) về còn 57.700 đồng/cp. Tài sản của ông Bùi Thành Nhơn sụt giảm cả ngàn tỷ, cho dù doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam này vừa công bố kế hoạch ấn tượng với doanh thu tỷ USD trong năm 2018.

Trong năm 2017, con trai ông Bùi Thành Nhơn - Bùi Cao Nhật Quân là cái tên nổi tiếng với khối tài sản tính theo báo cáo mới 6 tháng đầu năm 2017 lên tới hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, tương ứng với hơn 31 triệu cổ phần NVL. Đầu 5/2017, thiếu gia 8x này đã rút khỏi toàn bộ các chức vụ chủ chốt tại Novaland Group, từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, thôi giữ chức danh thành viên HĐQT công ty và Phó TGĐ.

Novaland Group lên sàn cuối năm 2016, vốn hóa thị trường đạt hiện đạt gần 54 ngàn tỷ đồng. Đây là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng về quy mô rất nhanh. Những chuyến “shopping” ngàn tỷ cùng với hàng loạt kế hoạch huy động vốn khủng đã giúp doanh nghiệp này phát triển rất nhanh.

Ông chủ Novaland liên tục bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện các thương vụ thâu tóm, với mục đích được giới đầu tư dự đoán là mở rộng quỹ đất, nhưng đi kèm với đó là việc công ty phải duy trì lượng lớn nợ vay.

Trên thị trường chứng khoán, thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp trong khi khối ngoại bán ròng. VN-Index yếu ở dưới ngưỡng 890 điểm, sau khi đã mất tổng cộng 9,3% trong cả năm 2018.

Một số cổ phiếu trụ cột vẫn là trụ đỡ cho thị trường khỏi trượt giảm như: Vietcombank, Masan, FPT, và nhóm dầu khí GAS, PV Drilling,...

Cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết tăng mạnh hơn 4% sau thông tin Bamboo Airways được cấp quyền bay thương mại.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc trong biên độ 880-900 điểm với nền tảng thanh khoản thấp. SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua vào trong giai đoạn này và chỉ nên tận dụng những nhịp hồi nhằm cơ cấu danh mục về trạng thái an toàn hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/1, VN-Index giảm 2,2 điểm lên 887,44 điểm; HNX-Index giảm 0,66 điểm xuống 101,27 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 52,55 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 140 triệu đơn vị, trị giá 3,1 ngàn tỷ đồng.

V. Hà