Trong phiên giao dịch 11/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng. Cổ phiếu Vietcombank tăng 1.500 đồng lên 74.000 đồng/cp. Đây là mức giá (điều chỉnh) cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh. Cổ phiếu BIDV của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tăng 3,2% lên 33.450 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 2,6%, trong khi Ngân hàng Á châu (ACB) cũng tăng 2%.

Cú bứt phá của các cổ phiếu “vua” diễn ra trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1/2019 và nhiều khả năng sẽ công bố kết quả tốt trong quý 2, cùng với đó là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng.

Thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn với nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá và thêm thông tin chứng khoán thế giới khởi sắc sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu khá rõ ràng về khả năng sẽ lần đầu tiên trong khoảng 1 thập kỷ qua giảm lãi suất, đảo chiều chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu Vietcombank thu hút sự chú ý của giới đầu tư nhờ vị thế dẫn đầu trong khối ngân hàng tính theo phương diện tổng thể. Đây là một ngân hàng có quy mô vốn hàng đầu, có lợi nhuận ở vị trí số 1 và đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư ngoại. 

{keywords}
 

 

{keywords}
Cổ phiếu Vietcombank tăng lên đỉnh lịch sử.

Trong năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.500 tỷ đồng và có thể là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam sẽ đạt được mức lợi nhuận tỷ USD sau cú bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018 với lợi nhuận tăng trưởng 61%.

Theo chiến lược phát triển, Vietcombank tham vọng trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam với tổng tài sản đạt 100 tỷ USD, lợi nhuận 1,5 tỷ USD và sẽ là một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế.

Cổ phiếu Vietcombank gần đây thu hút sự chú ý của rất nhiều nhóm nhà đầu tư, từ chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cho đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cả những người nổi tiếng trong giới showbiz.

Trong một tút đang trên FB cá nhân giữa tháng 6, hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thuý chia sẻ cảm xúc khi thắng lớn với cổ phiếu Vietcombank.

Hoa hậu Mai Phương Thúy cho biết, chỉ có những người mua giá 40x-50x “mới hiểu cảm giác của tôi lúc này”. Người đẹp nghi ngờ những người mua cổ phiếu VCB ở mức giá nói trên đã bán ra ở mức 60x, trong khi giá VCB đã lên trên ngưỡng 70.000 đồng/cp.

Theo sự bật mí của chân dài gốc Hà Nội, cô sẽ “ôm” cổ phiếu VCB cho tới giá 80.000 đồng/cp, cao hơn so với mức giá 74.000 đồng/cp chốt phiên giao dịch 12/7.

Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư thậm chí còn kỳ vọng VCB lên mức giá cao hơn, theo từng khoảng chiều dài cơ thể của hoa hậu cao 1m80 này. 

{keywords}
Hoa hậu Mai Phương Thúy chia sẻ mua cổ phiếu VCB từ 40x-50x và sẽ giữ cho tới 80x.

Giá cổ phiếu tăng là tin tốt đối với nhiều nhà đầu tư, nhưng có thể làm khó cho Vietcombank. Một lần nữa, kế hoạch lớn của Vietcombank lại có thể gặp trở ngại với diễn biến của giá cổ phiếu tăng mạnh trên sàn chứng khoán.

Theo kế hoạch, năm nay Vietcombank tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tăng vốn và là để thực hiện những gì chưa làm được trong năm 2018.

Lý do là bởi vì nhiều NĐT ngoại mặc dù rất quan tâm đến cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng cú giảm sâu của TTCK vào cuối trong năm 2017 và 2018 đã khiến nhiều khoản đầu tư của họ lỗ. Với mức giá cao, khả năng rót tiền vào có thể mong manh hơn, giống như thất bại trong năm 2018.

Cách đây 12 năm, hồi cuối 2007, đợt IPO ấn tượng của Vietcombank với giá 108.000 đồng (giá chưa điều chỉnh) đã khiến nhiều người thua lỗ năng. Gần 10 năm sau đó, tới giữa tháng 7/2016, cổ phiếu mới lên được mức 57.000 đồng/cp, xác lập mức giá cao nhất (theo giá đã điều).

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn chưa khởi sắc nhưng nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá giúp VN-Index áp sát mốc 980 điểm. Ngoài nhóm ngân hàng, thì nhóm dầu khí, bất động sản công nghiệp, xây dựng.. cũng tăng mạnh.

Một số mã nổi nhật như Thế Giới Di Động, Vingroup, VietJet, CTD,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo CTCK BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự 985-990 điểm trong những phiên kế tiếp. Tại đây, VN-Index có thể sẽ xuất hiện áp lực rung lắc, điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ 965-970 điểm, trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm trong ngắn hạn. Về mặt xu hướng, BVSC vẫn giữ quan điểm cho rằng, sau khi có chuyển biến tích cực về mặt xu hướng ngắn hạn, chỉ số sẽ chuyển sang trạng thái đi lên theo dạng “sideway-up” trong thời gian tới. Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa với diễn biến đi lên thoải kèm theo các phiên điều chỉnh đan xen.

Nhóm dầu khí có thể gặp áp lực rung lắc tại các vùng cản gần trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn. Nhóm vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 và các cổ phiếu thuộc các ngành khác như CNTT, BĐS khu công nghiệp... cũng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7, VN-Index tăng 4,98 điểm lên 978,63 điểm; HNX-Index tăng 0,87 điểm lên 106,01 điểm và Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 56,78 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.

V. Minh