Theo báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động. Đơn cử như trong ngành may, có đến 99% thu nhập người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của AFW. Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

Tiền lương  không đủ sống dẫn đến các hệ lụy như 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù lấp những thiếu hụt chi tiêu.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2018, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Qua khảo sát, có thể thấy, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với thu nhập tiền lương việc làm chưa được 40%.

{keywords}
 

Ông Quảng cho rằng, trong kỳ đàm phán lương tối thiểu năm 2020 diễn ra tới đây sẽ có những điểm mới so với mọi năm trong bối cảnh cần đảm bảo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Trước đây, Bộ Luật Lao động đã có quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp nên nhiều năm liền mức tăng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Năm 2018, mức tăng là 5,3% cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”, ông Quảng cho biết.

Theo ông Lê Đình Quảng, để chuẩn bị cho kỳ đàm phán lương tối thiểu diễn ra sắp tới, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tiến hành gửi công văn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng công bố mức sống tối thiểu để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng, tránh sự chênh lệch giữa phía doanh nghiệp và đại diện người lao động.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi để đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là cần xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Theo quy định của pháp luật, để xác định tiền lương tối thiểu, cần căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình là mức sống tối thiểu. Xác định nhu cầu sống tối thiểu cần dựa vào các tiêu chí như: nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu nuôi con... Cách tính xác định theo nhu cầu chi tiêu thực tế của người lao động với rổ hàng hóa là 45 mặt hàng để đảm bảo nhu cầu 2.300 kg Kalo/ngày cho người lao động làm những công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường. Như vậy, cách tính lương thực trong 1 rổ hàng hóa như vậy cộng với nhu cầu nuôi con bằng 70%, thì có thể nói nhu cầu sống tối thiểu là yếu tố quan trọng để xác định mức lương tối thiểu mỗi năm”, ông Quảng phân tích.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, nhu cầu sống tối thiểu là yếu tố quan trọng để xác định tiền lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên, do không có công thức tính chung, nên hiện nay mỗi cơ quan lại ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau. Đây cũng là khó khăn chung cho Hội đồng tiền lương trong quá trình đàm phán lương tối thiểu.

Dự đoán về mức lương tối thiểu vùng năm 2020, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng,  mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khó tăng cao như những năm trước. “Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn nên được điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 27 của Chính phủ. Mức tăng cụ thể phải trải qua các phiên đàm phán giữa các bên mới có thể xác định”, ông Vinh cho biết.

Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2019, lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng thêm trung bình là 5,3%. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I sẽ là: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.

Dự kiến, trong quý 3 năm 2019, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Kết quả khảo sát lần này có thể được bổ sung vào khuyến nghị chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng 2020.

(Theo VOV)