Khi nghỉ việc vì hết tuổi lao động, không ít người làm việc trong cơ quan nhà nước dù có thời gian làm việc hơn 20 năm nhưng lại không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng chế độ hưu trí, bởi thiếu đi các giấy tờ xác nhận thời gian làm việc một cách hợp lệ, vì nhiều lý do.

Nhiều người đã chọn cách đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để có lương hưu hằng tháng. Bởi tính ra khi còn đủ sức khỏe, được nhận lương hưu thêm nhiều năm vẫn có lợi hơn khi bỏ ra khoản tiền đóng BHXH tự nguyện bổ sung và danh phận cán bộ hưu trí vẫn là lựa chọn tốt nhất với nhiều người.

Trong nội dung cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ về việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Đó là trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Nghị quyết cũng chỉ rõ về việc sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung; sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ.

Hiện nay, số lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức rất đông đảo, là đối tượng tiềm năng của BHXH tự nguyện. Thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung cho nhóm đối tượng này là một việc rất nên làm, thể hiện tính ưu việt của chính sách BHXH theo đường lối, chủ trương của Đảng. Bên cạnh mức đóng 22% thu nhập hằng tháng theo lựa chọn, cần có thêm các quyền lợi về ốm đau, thai sản cho người tham gia.

Ai đi làm cũng mong muốn có khoản thu nhập đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày. Khi không còn tuổi lao động, rất cần một khoản lương hưu để đắp đổi cho những nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khỏe bản thân. Với những người lao động tự do, cách thức để họ có lương hưu chính là BHXH tự nguyện. Đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với NLĐ một cách chân thành và thiết thực, cho họ thấy cái lợi rõ ràng khi tham gia và nhà nước có những ưu đãi thực sự, thì sự bổ sung của bảo hiểm hưu trí này là một bảo đảm tương lai dễ hình dung và hấp dẫn.

Để BHXH trở thành lưới an sinh xã hội hữu hiệu, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các chính sách phải thực thi hiệu quả và linh hoạt. Điều cốt lõi là đối tượng thụ hưởng hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, biết được hôm nay đóng góp những gì và quyền lợi ngày mai được bảo đảm ra sao khi không còn làm việc, nhận sổ hưu. 

(Theo Người Lao Động)