Lừa vay nhanh, lãi thấp

KTSG Online nhận được phản ánh từ một đơn vị giới thiệu các khoản vay tiêu dùng cho các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng và các công ty tài chính), nói rằng hiện có nhóm đối tượng giả mạo thương hiệu để đứng ra cho vay, dù đơn vị này không có chức năng cho vay.

Thủ đoạn chính của đối tượng lừa đảo là chèo kéo người dân vay vốn với lãi suất hấp dẫn, từ mức 0,5-0,7%/tháng, trong khi mức phổ biến thông thường trên thị trường là từ 2-3%/tháng.

Sau khi trao đổi qua các công cụ mạng xã hội, kẻ lừa đảo gửi thông báo xét duyệt khoản vay, hợp đồng giả mạo,… tương tự như các công ty tài chính, rồi bảo người vay tải ứng dụng theo đường link có sẵn.

{keywords}
Nhu cầu vay tiền tín chấp trực tuyến tăng mạnh trong mùa giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: L.Vũ

Nếu muốn giải ngân, người vay phải có tài sản thế chấp, hoặc phải chuyển khoản số tiền tương ứng 10% giá trị khoản vay để chứng minh khả năng trả nợ, rồi mới được gửi thông tin mật khẩu để rút tiền qua ứng dụng (bao gồm cả khoản tiền 10% ở trên). Tất nhiên sau đó số tiền chuyển khoản này bị chiếm đoạt.

Đáng lưu ý là có một số trường hợp bị lừa chuyển tiền nhiều lần vì nhiều lý do khác nhau, như tài khoản bị phong tỏa nên phải mở khóa, rồi người vay bị “dính” nợ xấu nên phải “nộp” thêm 40% giá trị khoản vay đăng ký để xóa nợ xấu.

Theo ghi nhận của đơn vị trên, đã có trường hợp một khách hàng tố cáo bị lừa đảo chuyển tiền 7 lần với số tiền tổng cộng 430 triệu đồng cho khoản vay 150 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Đến lần yêu cầu “mở khóa” lần thứ 8 với số tiền 150 triệu thì vị khách này mới “vỡ lẽ”.

Đơn vị giới thiệu các khoản vay cho các công ty tài chính này cũng đánh giá mức độ lừa đảo của nhóm này là rất tinh vi. Chúng được tổ chức quy mô, bài bản, từ quảng cáo trên mạng xã hội đến bộ phận tìm kiếm khách hàng, dịch vụ. Các văn bản giấy tờ giả mạo tương tự như các công ty tài chính bình thường dễ gây nhầm lẫn.

Đại diện bộ phận kinh doanh của công ty tài chính nằm trong top 5 thị phần cho vay tiền mặt cho biết, hiện tượng này đang phổ biến vì trong thời gian gần đây khi có rất nhiều khách hàng gọi điện thoại đến công ty để phản ánh. Điểm chung là nhóm này mượn tên rất nhiều các công ty tài chính hợp pháp, lừa người dùng tải ứng dụng, rồi bắt chuyển khoản phí để được giải ngân khoản vay.

Người dân khi vay tiêu dùng cần thận trọng

Các hình thức lừa đảo trên thực tế đang “tiến hóa” theo mùa dịch. Vào năm ngoái, các ngân hàng, công ty tài chính cũng nhiều lần lên tiếng về các vụ lừa đảo như phê duyệt khoản vay tín chấp trực tuyến, hay gửi hợp đồng, thẻ tín dụng qua đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí.

Còn mới đây, đối tượng lừa đảo giả mạo các “gói hỗ trợ Covid-19”, giả mạo cả email và website của Bộ Y tế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam,… Ngoài rủi ro bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản, các thông tin cá nhân còn có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền của các công ty tài chính mà nạn nhân không hề biết.

{keywords}
Lừa đảo lấy thông tin trong mùa dịch ngày càng nhiều hơn.

Trên thực tế, với các thông tin cá nhân có được, các đối tượng lừa đảo có thể dùng để vay tiền trực tuyến tại các tổ chức và các ứng dụng vay tiền online. Đây là thông tin mà nhiều các đơn vị fintech cho vay cảnh báo từ năm ngoái đến nay.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin cá nhân của người dân trong mùa dịch bị lộ lọt rất nhiều, vì phải đăng ký ở khắp nơi như đăng ký tiêm vaccine, đăng ký mua hộ hàng, đăng ký nhận gói hỗ trợ,… Không ai rõ những dữ liệu đã nhập này sẽ đi về đâu.

Việc giả mạo các công ty tài chính dù không phải là vấn đề mới, nhưng chúng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, thậm chí sẽ có nhiều người dân rơi vào tình trạng túng quẫn, không có thu nhập để trả nợ hoặc để chi tiêu cho các khoản tối thiểu trong cuộc sống.

Cuối tháng 8, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về xu hướng vay tiêu dùng trong mùa dịch.

Theo đơn vị này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.

Những khoản vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan và an toàn hơn là tín dụng đen, nhưng người vay vốn cũng cần phải thận trọng và chú ý về hình thức và nội dung tối thiểu của hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân và sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định.

Về phía các công ty tài chính, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết. Công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng khi có yêu cầu của khách hàng.

(Theo KTSG Online)

Cảnh giác với yêu cầu lừa đảo thanh toán khoản vay vào tài khoản cá nhân

Cảnh giác với yêu cầu lừa đảo thanh toán khoản vay vào tài khoản cá nhân

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, người dân không thể thanh toán trực tiếp tại các điểm thu hộ, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tài chính để yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt.