Thị trường chứng khoán đi ngang trong vài tháng qua do thiếu các thông tin hỗ trợ, tuy nhiên chỉ số đang có dấu hiệu nhích lên nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn và một số thông tin tích cực về triển vọng kinh doanh quý III bắt đầu xuất hiện.

Bức tranh kinh tế nhìn chung vẫn ảm đạm, được phản ánh qua con số tăng trưởng GDP gần nhất giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết cũng ghi nhận những mảng sáng tối đan xen.

Ngân hàng, chứng khoán, thép duy trì tăng trưởng

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và sắt thép từng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao về lợi nhuận trong nửa đầu năm và vẫn tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan trong quý III.

Chứng khoán đang hưởng lợi nhất từ sự sôi động của thị trường. Đơn cử như Chứng khoán SSI mới đây thông báo ước đạt gần 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong 9 tháng đầu năm, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước và vượt 12% so với kế hoạch năm.

Tính riêng trong quý III, lợi nhuận của công ty đầu ngành này ước đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với 836 tỷ đồng. Tính đến 30/9, dư nợ cho vay margin của SSI đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với quý trước.

Chứng khoán VNDirect cũng công bố tổng doanh thu hoạt động 7 tháng đầu năm ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng, thực hiện hơn 86% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước thậm chí đạt 1.056 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Chứng khoán Thành Công ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt lần lượt khoảng 240 tỷ đồng và hơn 175 tỷ đồng. Như vậy lợi nhuận công ty gấp hơn 8,5 lần so với cùng kỳ và vượt 175% kế hoạch năm.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA CHỨNG KHOÁN SSI
 
Nhãn Quý I/2019 Quý II Quý III Quý IV Quý I/2020 Quý II Quý III Quý IV Quý I/2021 Quý II Quý III (ước)
Lợi nhuận trước thúe Tỷ đồng 246 264 332 263 8 652 421 477 530 733 836

Ngành thép cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhờ thị trường nước ngoài và giá thép leo thang. Tập đoàn Thép Tiến Lên tổng kết doanh thu thuần quý III tăng nhẹ lên 910 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng ấn tượng, gấp hơn 8 lần con số cùng kỳ lên mức 106 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen công bố lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính, công ty ước doanh thu tăng 74% lên 42.551 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 279% đat 3.994 tỷ đồng.

Tập đoàn Hòa Phát thông báo sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43% so với cùng kỳ. Nhóm phân tích SSI Research ước tính Hòa Phát có thể đạt lãi ròng hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 131% so với cùng kỳ nhờ việc tăng sản lượng HRC và giá bán tăng.

Với ngân hàng, TPBank thông báo lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 75,76% kế hoạch, tương đương khoảng 4.394 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.

Trong một báo cáo về ngành ngân hàng, SSI Research ước tính lợi nhuận nhóm này tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng sẽ chậm lại so với 2 quý đầu năm. Diễn biến này là do việc cắt giảm lãi suất và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao.

Đáng chú ý khi Techcombank được kỳ vọng có lợi nhuận trước thuế lớn nhất khối ngân hàng, với con số 5.200 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, tương đương mức tăng 35,7% so với cùng kỳ. Kết quả này nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% từ đầu năm.

Trong khi đó SSI Research dự kiến Vietcombank sẽ xếp sau với lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 5.000 tỷ đồng. Việc này là do Vietcombank đẩy mạnh cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Một số ngân hàng được ước tính có kết quả tốt khác như ACB có thể tăng lợi nhuận 13-15% trong quý III, tương tự lợi nhuận HDBank dự phóng tăng 15%, lợi nhuận MBB tăng 10-12% so với cùng kỳ…

Các điểm sáng tăng trưởng khác

Một số doanh nghiệp khác cũng có tín hiệu kinh doanh khả quan như Vicostone ước tính doanh thu thuần quý III đạt 1.859 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỷ lục 484 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất mà nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này ghi nhận được trong một quý kinh doanh. Vicostone cho biết kết quả này nhờ chiến lược nội địa hóa và tự chủ nguồn nguyên vật liệu chính trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA VICOSTONE
 
Nhãn Quý I/2019 Quý II Quý III Quý IV Quý I/2020 Quý II Quý III Quý IV Quý I/2021 Quý II Quý III (ước)
Lợi nhuận trước thuế Tỷ đồng 260 411 351 389 304 257 403 465 371 448 484

Nhà xuất khẩu chanh leo Nafoods Group có tăng trưởng cao nhờ thị trường chủ lực châu Âu và xâm nhập thị trường Nga. Công ty ước tính doanh thu quý vừa qua đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thế 20,5 tỷ đồng, tăng trưởng 52%.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ước tính doanh thu thuần quý vừa qua đạt 123 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Theo đó bệnh viện duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thu về 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 80%.

Nhóm cảng biển cũng được dự báo có kết quả tích cực. SSI Research ước tính lợi nhuận Vận tải Hải An có thể đạt 80 tỷ đồng trong quý III, tăng mạnh 250% so với cùng kỳ, hay Gemadept được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 20%.

Ngành bảo hiểm cũng bắt đầu cho tín hiệu, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) thông báo lợi nhuận trước thuế kể từ đầu năm đạt 247 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Như vậy lợi nhuận quý III ước thu về 47 tỷ đồng, tăng 42%.

Ở lĩnh vực thủy sản, mới đây Thực phẩm Sao Ta công bố doanh số tiêu thụ trong tháng 9 ước tăng trưởng 21%. Tổng doanh số lũy kế từ đầu năm đạt 154,6 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ và thực hiện 77% kế hoạch năm.

Hàng không "lỗ chồng lỗ"

Dù vậy thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn và những khoản lỗ ngày càng lớn, đặc biệt là trong các ngành nghề lớn như du lịch, hàng không, bán lẻ, dầu khí…

Hàng không vẫn là ngành chịu áp lực lớn nhất từ những ảnh hưởng của đại dịch và sẽ mất rất nhiều năm để khôi phục trở lại. Số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm đến nay đã giảm 60-70% so với trước dịch. Hiện toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế đều bị dừng lại và trong nước bị hạn chế.

Đơn cử Vietnam Airlines đã báo lỗ 8.585 tỷ đồng trong nửa đầu năm và chẳng khó để hình dung bức tranh quý III ảm đạm của hãng hàng không quốc gia khi đây là giai đoạn mà hoạt động vận tải hành khách hầu như tê liệt.

Bao cao quy III, buc tranh loi nhuan, cac nganh tang truong cao anh 1

Vận tải hành khách tê liệt có tác động xấu đến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành. Ảnh: Hoàng Hà.

Đối với ngành bán lẻ, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết trong tháng 7 và tháng 8 đã phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã tác động rất xấu đến kết quả kinh doanh của công ty bán lẻ trang sức này.

PNJ ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu thuần trong tháng 8, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó công ty báo lỗ 78 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ của tháng 7 liền trước và đây là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống.

Tương tự khi Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng sa sút rất đáng kể. Tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm khi có 70% tổng số điểm bán điện thoại/điện máy bị hạn chế và 50% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp.

Doanh thu thuần của MWG chỉ đạt mức 6.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ, lần lượt giảm gần 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có doanh số thấp nhất từ đầu năm.

Với lĩnh vực dầu khí, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm mạnh, dẫn đến tồn kho tăng nhanh và hầu như không còn sức chứa.

Trong tháng 8, BSR cho biết kho nhà máy tồn khoảng trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại và gần 400.000m3 dầu thô. Công ty đã triển khai nhiều giải pháp như giảm công suất nhà máy xuống còn 90%; đồng thời tiến hành gửi các kho khác để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy.

Doanh nghiệp đầu ngành khí là PV Gas cũng chứng kiến sự sụt giảm. Doanh nghiệp báo cáo nhu cầu tiêu thụ của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35-40% đối với LPG và 30% đối với khí thấp áp, CNG so với trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Tuy nhiên nhờ giá bán tăng cao, PV Gas ước tính lợi nhuận sau thuế quý III chỉ giảm 7% so với cùng kỳ xuống 1.861 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế 6.220 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Một số đơn vị khác cũng có kết quả kém khả quan có thể kể đến như Bột giặt LIX ước tính lợi nhuận quý vừa qua đạt 30 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp trong năm lợi nhuận của LIX đi xuống.

Hay như Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết lợi nhuận quý III sẽ tiếp tục là con số âm, sau khi doanh nghiệp ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng trong quý II. Việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi là nguyên nhân gây lỗ cho doanh nghiệp.

(Theo Zing)

Gánh khoản lỗ gần 18.000 tỷ, ông lớn số 1 đối mặt nguy cơ mới

Gánh khoản lỗ gần 18.000 tỷ, ông lớn số 1 đối mặt nguy cơ mới

Vietnam Airlines (HVN) thua lỗ lớn và đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu do âm vốn chủ sở hữu. Hãng hàng không số 1 Việt Nam đang tìm cách tái cơ cấu để vượt khó.