Những cái tên này, hàng chục năm nay đã khiến nhiều người ở Thanh Hoá khiếp đảm bởi sự liều lĩnh, côn đồ của chúng.

Sau hàng loạt các vụ thanh toán nhau, đòi nợ thuê, gây thương tích… gây ảnh hưởng đến ANTT ở Thanh Hoá, các đối tượng trên lần lượt vào tù. Ra tù, chúng dần hoạt động tinh vi hơn, lập ra các công ty dịch vụ tài chính, thuê người làm giám đốc, tuyển nhân viên là những đối tượng hình sự để quản lý, điều hành công ty, còn bản thân đứng sau chỉ đạo, tổ chức cho vay lãi nặng, siết nợ.

Các nạn nhân đã sập bẫy như thế nào?

Qua nắm tình hình, CBCS Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an TP Thanh Hoá đã xác định trên địa bàn có 5 Công ty kinh doanh tài chính có biểu hiện cho vay lãi nặng, là "sân sau" của các đối tượng hình sự gồm Công ty TNHH dịch vụ Đại Tín, do Đỗ Thế Đại (Đại “lác” - là em trai Phương "cu tý"), 35 tuổi trú tại 253 Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hoá đứng sau, gồm 12 điểm kinh doanh; Công ty TNHH Trường Cửu Đông Anh Hà Nội, do Nguyễn Duy Linh (Linh “cụt”), 34 tuổi, trú tại 42-44 Trịnh Khả, phường Ngọc Trạo và Lê Quang Cường (Cường “gấu”), 34 tuổi, trú tại Cốc Hạ 2, phường Đông Hương đứng sau, gồm 8 điểm kinh doanh. Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín, do Nguyễn Quang Vinh (Long “Hợi’), 35 tuổi, trú tại Khu tái định cư Tạnh Xá 1, phường Đông Vệ, và Nguyễn Văn Vy (Vy “ngộ”), 38 tuổi, trú tại 130 Đào Duy Từ, phường Ba Đình đứng sau, gồm 6 điểm kinh doanh. Công ty TNHH TMDV Quyền Quý - Công ty TNHH Nam Tiến 36, do Hoàng Mạnh Linh (Linh ‘lùn”), 32 tuổi, trú tại Lô 57, phường  Quảng Thắng đứng sau, gồm 5 điểm kinh doanh.

{keywords}
Cơ quan Công an thực hiện khám xét tại công ty TNHH Trường Cửu.

Thủ đoạn hoạt động của các công ty trên thường là ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Mặt khác, khi người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… Dù thủ đoạn các đối tượng vừa tinh vi, vừa trắng trợn như vậy nhưng việc xử lý chúng trước pháp luật gặp rất nhiều khó khăn bởi các bị hại, người vay tiền thường thiếu hiểu biết, sơ hở khi ký các hợp đồng vay tiền; bên cạnh đó, có nhiều người vay vào mục đích đánh bạc, buôn lậu… nên khi bị đe dọa đòi nợ không dám trình báo cơ quan công an.

Một trong những nạn nhân của chúng là chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Quảng Xương. Đầu năm 2018, do cần tiền làm ăn, chị đã vay của Công ty dịch vụ tài chính Đại Tín ở đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hoá 30 triệu đồng với lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Theo quy định, 10 ngày chị phải trả lãi 1 lần là 1,5 triệu đồng, mỗi tháng chị Hoa phải trả tổng cộng 4,5 triệu đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, có những kỳ, đến hạn chị chưa có tiền trả, lập tức, số nợ bị nâng lên rất nhanh do cộng lãi vào gốc và phạt chậm trả. Đến cuối tháng 6-2018, chị Hoa đã vay mượn để trả đủ cả gốc và lãi nhưng khi đến công ty thì không gặp được giám đốc để trả nợ, điện thoại cũng không liên lạc được, các nhân viên không chịu thu tiền nên chị Hoa đành cầm tiền về mà không biết đây là "chiêu" kéo dài việc vay nợ để phạt và thu lãi cao của các đối tượng.

Khi gặp được giám đốc, thì số tiền của chị đã tăng lên, lại không đủ trả cả gốc lẫn lãi nên đành tiếp tục nợ lại. Dần dà, món nợ ngày càng lớn, lãi càng cao, tính đến tháng 12-2018, chị Hoa đã trả cho Công ty Đại Tín gần 100 triệu đồng nhưng vẫn còn nợ tiền gốc chưa trả được.

Anh Nguyễn Mạnh Tuân ở huyện Triệu Sơn cũng tương tự như vậy. Do cần mở rộng kinh doanh, anh vay của các đối tượng 100 triệu đồng, lãi suất 4.000đ/ngày/1 triệu. Theo đó, cứ 10 ngày anh phải trả lãi 4 triệu đồng/1 tháng trả 3 lần. Tuy nhiên, có những lần, anh không đủ tiền trả phải đến khất nợ, chịu phạt và cộng lãi vào gốc. Lúc có tiền, anh muốn trả bớt gốc nhưng cũng không được phép. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền anh trả đã gần gấp đôi số gốc nhưng nợ vẫn hoàn nợ.

Sau khi có đủ tài liệu về việc phạm tội của các đối tượng, Công an TP Thanh Hoá đã báo cáo Ban Giám đốc cho lập chuyên án đấu tranh. Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cùng Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã cùng với Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an TP Thanh Hoá nhiều đêm trăn trở, tính toán phương án đấu tranh.

Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để có thể bắt, khám xét đồng loạt đối với các đối tượng, các chi nhánh của cả 5 công ty trên bởi nếu không làm đồng loạt, lập tức các đối tượng sẽ đóng cửa, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ.

Ngày 22-12, Ban Chuyên án đã huy động lực lượng gồm 300 CBCS của các đội nghiệp vụ và Công an các phường ở TP Thanh Hoá kết hợp với Cảnh sát cơ động đồng loạt khám xét 32 địa điểm của 5 công ty trên tại  14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa 10 điểm; TP Sầm Sơn 2 điểm; Hoằng Hóa 4 điểm; Tĩnh Gia 3 điểm; Hậu Lộc 2 điểm; Thọ Xuân 2 điểm; Ngọc Lặc 2 điểm; Bỉm Sơn, Thạch Thành, Triệu Sơn, Hà Trung, Cẩm Thủy, Bá Thước, Yên Định mỗi huyện 1 điểm).

Quá trình khám xét, đã tạm giữ nhiều tài liệu có liên quan đến các hoạt động vay tiền, tín dụng bất hợp pháp; nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép kinh doanh, đăng ký xe mô tô, chứng minh nhân dân; 1 quả lựu đạn; 90 vỏ đạn súng quân dụng; 1 bình xịt khí bóng cười; 1 dùi cui điện; 1 bình xịt cay; 20 dao, lê, kiếm các loại; 4 típ sắt; 01 ô tô; 20 xe máy; 6 két sắt; 30 điện thoại; 19 CPU máy tính; 8 laptop và hơn 1,5 tỷ đồng.

Trò ma quái của những kẻ cầm đầu

Đến ngày 8-1-2019, lực lượng chức năng vẫn đang điều tra, tích cực làm rõ vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng đứng sau, điều hành cả 5 công ty trên. Trước đó, 5 đối tượng là các giám đốc thuê, kế toán trưởng, trưởng chi nhánh của các công ty đã bị bắt về hành vi cho vay lãi nặng trong quan hệ dân sự.

{keywords}
Các đối tượng Cao Xuân Thu, Nguyễn Sỹ Thương, Đỗ Nguyễn Minh Tân.

Hành vi của các đối tượng này đã rõ bởi chúng trực tiếp điều hành, ký hợp đồng vay vốn và chỉ đạo việc siết nợ, đòi nợ khách hàng. Mặc dù mọi việc chúng làm đều theo lệnh của "ông trùm" thực sự đứng phía sau nhưng trách nhiệm chính trước pháp luật thì các đối tượng này đều phải chịu.

Như đối tượng Cao Xuân Thu, được Đỗ Thế Đại thuê làm Giám đốc Công ty dịch vụ tài chính Đại Tín. Với mức lương 10 triệu đồng/ tháng, Thu điều hành toàn bộ hoạt động của công ty, chịu trách nhiệm điều hành 12 chi nhánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng với các kế toán công ty hàng ngày, cuối tháng kiểm tra chốt số tiền vay và thu lãi tại 12 chi nhánh; các khách hàng đến vay đều được Thu chỉ đạo cho vay tiền với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày và làm thủ tục mua bán tài sản sau đó cho thuê lại.

Dưới trướng Đại là đối tượng Đỗ Nguyễn Minh Tân, nữ Kế toán Công ty TNHH DVTM Đại Tín. Mặc dù còn ít tuổi, không xinh đẹp nhưng Tân khá nổi danh với các chiêu trò "làm khó" người vay, vắng mặt khi khách đến trả gốc khiến không có người thu tiền dẫn đến việc khách bị nợ quá hạn. Với mức lương chỉ 4 triệu đồng/ tháng, nhưng lại đảm nhiệm vai trò chính trong việc cho vay lãi nặng, biết rõ việc mình làm là phạm tội nhưng Tân vẫn bất chấp. Cho đến khi bị bắt, bị khởi tố, Tân mới ân hận về hành vi phạm tội của mình.

Bước đầu, Công an thành phố Thanh Hoá đã  xác định được từ năm 2016 đến nay, Công ty Đại Tín đã cho 4.056 người vay với tổng số tiền là hơn 47 tỷ đồng. Số tiền lãi thu về hơn 13 tỷ đồng; lãi suất trung bình từ 110% đến 182,5%/năm.

Công ty TNHH Trường Cửu Đông Anh Hà Nội được thành lập từ năm 2016, do Nguyễn Duy Minh (là em trai của Nguyễn Duy Linh - Linh “cụt”), 30 tuổi, ở số 3 Tản Đà, P. Đông Sơn, làm Giám đốc. Từ khi thành lập, công ty có 13 chi nhánh hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính và cầm đồ. Đến đầu năm 2018, còn có 8 chi nhánh hoạt động. Mỗi chi nhánh, Minh đều thuê người khác làm trưởng chi nhánh chịu trách nhiệm về các hoạt động của chi nhánh đó.

Để trốn tránh trách nhiệm, Minh cho rằng, mình chỉ điều hành chính ở công ty, đầu tư cho các chi nhánh tiền gốc với lãi suất 1.000đ/triệu đồng đến 1.5000đ/triệu đồng/ngày; các trưởng chi nhánh tự cho vay, tự hạch toán, lãi suất bao nhiêu Minh không biết. Tuy nhiên, các trưởng chi nhánh của công ty đều khai báo: mọi hoạt động đều cho Nguyễn Duy Minh điều hành. Khi khách hàng đến vay tiền thì đều làm hợp đồng mua bán, thuê xe với mức lãi suất là 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Cuối tháng, nộp lại hết số tiền lãi cho Minh.

Qua thu thập tài liệu sổ sách, lực lượng chức năng đã làm rõ, có 2.631 người đến vay tổng số tiền cho vay hơn 25 tỷ đồng với số tiền lãi thu về là hơn 9 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH DVTC Thương Tín được thành lập từ năm 2017, do Nguyễn Sỹ Thương, 30 tuổi, ở phường Quảng Thành, TP Thanh Hoá làm Giám đốc (có mối quan hệ với Nguyễn Quang Vinh - tức Long “Hợi” và Nguyễn Văn Vy - Vy “ngộ”), gồm 6 chi nhánh tại các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa. Mỗi chi nhánh, Thương trực tiếp điều hành và thuê nhân viên quản lý. Thủ đoạn hoạt động của công ty là cho vay thăm với số tiền cho vay từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng/1 bát thăm.

Việc thu lãi được tính như sau: khách hàng vay 10 triệu đồng thì Thương đưa cho khách hàng 8 triệu đồng và cắt lại 2.000.000 đồng tiền lãi. Đồng thời yêu cầu khách hàng đóng tiền vay mỗi ngày 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Qua thu thập tài liệu đã có 90 người đến vay tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Công ty TNHH TMDV Quyền Quý - Công ty TNHH Nam Tiến 36 được thành lập từ năm 2017, do Hoàng Mạnh Linh (Linh “lùn”) đứng ra thành lập và thuê Hồ Nhật Minh, 24 tuổi, trú tại 02/265 Bà Triệu, P. Hàm Rồng làm Giám đốc Công ty TNHH TMDV Quyền Quý và Nguyễn Văn Thịnh, 26 tuổi, trú tại 06/456 Quang Trung 1, P. Đông Vệ làm Giám đốc Công ty TNHH Nam Tiến 36. Công an TP Thanh Hoá đã  xác minh tài khoản ngân hàng của Hoàng Mạnh Linh tại TP Hồ Chí Minh, xác định có nhiều người giao dịch trả tiền vào tài khoản này.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hoá đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Cao Xuân Thu; Đỗ Nguyễn Minh Tân (Công ty Đại Tín); Lê Phú Lượng, 25 tuổi,  ở phố Ái Sơn 2, P. Đông Hải, TP Thanh Hoá (là Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 84 Tống Duy Tân, P. Bắc Sơn TP Sầm Sơn); Đỗ Văn Thái, 36 tuổi,  ở xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa (là quản lý điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trương Đình Tâm, 21 tuổi, trú ở  Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa (là nhân viên của Công ty DVTC Thương Tín) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Trong thời gian vừa qua, Công an Thanh Hoá là một trong những đơn vị đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tín dụng đen. Với phương châm "bẻ cành, ngắt ngọn, cưa thân, đào gốc", Công an Thanh Hoá đã triệt xoá hàng chục băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng, cầm đồ, đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng.

Trong đó, nổi bật nhất là chuyên án đấu tranh với ổ nhóm cho vay lãi nặng do Nguyễn Đức Thành, 31 tuổi, quê ở Kinh Môn, Hải Dương cầm đầu với hàng loạt các chi nhánh ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng chuyên án đấu tranh với 5 công ty dịch vụ tài chính trên, là đòn giáng mạnh nhất đối với các đối tượng hình sự ở xứ Thanh bởi sau khi khám xét khẩn cấp cả 32 điểm là các trụ sở cho vay của cả 5 công ty thì các điểm cho vay khác đều đã ngừng hoạt động.

(Theo An ninh thế giới)