Ngay sau quyết định của NHNN, các NH đã bắt đầu công bố giảm lãi suất. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, lãi suất sau khi giảm đã ở mức hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô, khuyến khích doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giữ nguyên lãi suất “đầu vào”

Với chỉ số giá tiêu dùng giảm trong 2 tháng liên tiếp vừa qua, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay.

Mới đây nhất, NHNN vừa có Quyết định số 1424/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Cụ thể, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.

{keywords}

Lãi suất ngân hàng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nền kinh tế. 

Tại Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, NHNN điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Với quyết định giảm lãi suất trên, lãi suất cho vay ở các ngân hàng của Việt Nam cũng khá cạnh tranh nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cách đây chưa lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đưa ra con số lãi suất ở các nước trong khu vực như: Myanmar lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm. So sánh với các nước này thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-10,5%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% ở mức tương đối hợp lý, nhất là với tương quan kinh tế vĩ mô hiện nay.

Đặc biệt, lần điều chỉnh giảm lãi suất này, NHNN không điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Nhìn nhận về động thái này, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng việc không điều chỉnh giảm lãi suất huy động cho thấy, NHNN cũng tránh xáo trộn ở phía người gửi tiền, lo xa cho việc giữ cân bằng dòng vốn vào các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng vào những tháng cuối năm.

Hợp lực cùng lãi suất

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính – ngân hàng, để đưa ra quyết định giảm được lãi suất, ngân hàng đã rất nỗ lực. Tuy nhiên trong thời gian tới, để hiệu ứng chính sách được xuyên suốt phải đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất, phải chỉ đạo quyết liệt trong xử lý nợ xấu vì nếu nợ xấu không giảm được thì cực kỳ khó giảm lãi suất. Thứ hai, phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động mới giảm lãi suất.

{keywords}

Lãi suất sau khi giảm đã ở mức hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

TS. Luật sư Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) vẫn tỏ ra băn khoăn về xu hướng giảm bền vững của lãi suất. Ông lưu ý rằng cùng với việc kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng, trong 6 tháng cuối năm 2017 các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình. Đây sẽ là những thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm.

Thậm chí ông cho rằng với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm 2016, do nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Rồi vấn đề nợ xấu tiếp tục là rào cản lớn với điều hành lãi suất.

Theo ông Tín, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với việc Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu vừa được ban hành, việc đưa chính sách vào cuộc sống còn cần thêm thời gian, nên hiệu ứng đối với việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm chi phí cho ngân hàng mới mở ra cơ hội giảm lãi suất. Thêm vào đó, thời gian tới cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý.

Và theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, lãi suất sau khi giảm đã ở mức hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô, cần khuyến khích doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Qua đó, hiệu ứng từ việc giảm lãi suất mới được chuyển thành hiệu quả phát triển kinh tế, từ đó không tạo rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Sau quyết định của NHNN, nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, kể từ ngày 8/7/2017, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.

Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định (kể từ ngày 10/7/2017, trần lãi suất cho vay đồng VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng là 6,5%/năm).

BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Cụ thể, áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN. Trong đó, lãi suất tối đa 6,0%/năm(thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 5,0%/năm. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng ngắn hạn VND dành cho khách hàng mới thuộc đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDIs), Doanh nghiệpxuất nhập khẩu và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất cho vay từ 5,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa chính thức công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các SME đã được VPBank điều chỉnh giảm thêm mức từ 0,5% đến 1%/năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ.

Đức Nghiêm