Chọn ngân hàng lãi cao gửi tiền

So sánh biểu lãi suất của 30 ngân hàng thương mại trong nước đầu tháng 2/2020 cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy dao động từ 5,3%-7,9%/năm. Trong đó, cao nhất là 7,9%/năm được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB); thấp hơn một chút là Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) là 7,7%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) là 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) là 7,4%/năm (đối với tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên),...

Nhóm các NHTM có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV có lãi suất huy động thấp nhất là 5,3%/năm.

Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về NCB với 7,96%/năm, Bac ABank, VietBank với 7,8%/năm, PVcomBank với 7,7%/năm. Mức lãi suất huy động thấp nhất ở kỳ hạn 9 tháng là 5,3%/năm thuộc VietcomBank, VietinBank và BIDV, còn Agribank có lãi suất cao hơn một chút với 5,4%/năm. 

{keywords}
Lãi suất huy động sau Tết vẫn tăng cao

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng Nam Á với 7,99%/năm, NCB 7,98%/năm, BaoVietbank 7,95%/năm, Ocean Bank 7,8%/năm,... thấp nhất là 6,1%/năm thuộc về Techcombank. Nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước lớn là 6,8%/năm.

Với kỳ hạn 13-18 tháng, cao nhất hiện nay là 8,55%/năm thuộc về SCB. Ngoài ra, có 8 ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi từ 8%/năm trở lên gồm: Eximbank 8,4%/năm, ABBank và NCB 8,3%/năm; VietBank, OCB, Viet Capital Bank 8,2%/năm; KienLongbank và BacAbank 8%/năm...

Đối với hình thức trực tuyến (online), mức lãi suất niêm yết tại các ngân hàng ở nhiều kỳ hạn thường cao hơn biểu niêm yết tại quầy khoảng 0,1 điểm %. Mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến cao nhất hiện tại là 8,76%/năm tại SCB kỳ hạn gửi 13-18 tháng với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kì. Ngoài sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường, các ngân hàng còn triển khai nhiều sản phẩm huy động khác như chứng chỉ tiền gửi (với lãi suất lên tới trên 9%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên). 

Như vậy, sau Tết nguyên đán lãi suất huy động của nhiều ngân hàng vẫn cao như thời điểm trước Tết. Người dân có tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 13 tháng, tại một số NH TMCP nhỏ như NCB, SCB, Nam A Bank, Bac A Bank, VietBank, BaoViet Bank,... vẫn được hưởng lợi lớn.

Những ngân hàng giữ lãi suất huy động cao, chứng tỏ thanh khoản vẫn đang eo hẹp. Nhìn biểu lãi suất, có thể thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt. Những ngân hàng TMCP nhỏ, thương hiệu và danh tiếng hạn chế, mạng lưới các phòng giao dịch ít vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn, vì vậy phải giữ lãi suất cao, để huy động từ cư dân.

Tìm hướng giảm lãi suất

Lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng cao. Tìm hiểu tại một số ngân hàng TMCP có các mức lãi suất huy động tiết kiệm cao hàng đầu hiện nay thì thấy, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh kỳ hạn 6 tháng là 10%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 10,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 10,75%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được áp dụng theo cơ chế thả nổi, điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần, với tất cả các kỳ hạn vay. Các khoản vay sau 3 tháng sẽ được điều chỉnh với lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ từ 2-3%/năm nữa, tùy từng đối tượng khách hàng.

{keywords}
Nhiều DN muốn được vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng khó vì không trong diện tiêu chuẩn

Cũng tính tương tự với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên sẽ thấy, lãi suất cho vay hiện hầu hết đều từ 10,5-12,5%/năm dành cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức lãi suất này là của kỳ hạn đầu, sau đó sẽ được thả nổi và cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay khá cao trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, nhân viên một ngân hàng TMCP cho biết ngân hàng này đang huy động vốn kỳ hạn 6 tháng ở mức trên 7,5%/năm, 9 tháng ở mức 7,9%/năm và 12 tháng ở mức 7,96% thì cho vay với lãi suất như trên là phù hợp.

Với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang cho vay trung dài hạn với mức lãi suất phổ biến từ 9-10,5%/năm, nhưng để tiếp cận được khoản vay này là không dễ.

Để hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, nhất là những ngành, lĩnh vực thiệt hại nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... Qua đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay,...  

Các DN đã vay vốn với lãi suất cao bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV hiện rất mong được phía ngân hàng hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

Từ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trên tình hình thưc tế, với những trường hợp khó khăn cụ thể, tự các tổ chức sẽ giải quyết với khách hàng để đảm bảo khả năng nợ và làm trong sạch báo cáo tài chính. 

Trần Thủy