Doanh nghiệp thứ 2 lãi tỷ USD

Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và năm 2019 với lợi nhuận sau thuế tính cho cả năm đạt 24.206 tỷ đồng (tương đương 1,04 tỷ USD), tăng 65% so với 2018 và đạt 118% kế hoạch.

Lợi  nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng đạt 21.305 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 đạt 6.369 đồng, tăng 41% so với EPS năm 2018.

Như vậy, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp thứ 2 trên sàn chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tỷ USD.

Trước đó, hồi giữa tháng 1/2020, Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trên sàn chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong một năm.

Theo đó, trong năm 2019, Vietcombank đạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh toàn diện. Trong đó, nổi bật nhất là lợi nhuận đạt 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Kết quả này sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chính ngân hàng này.

Giá cổ phiếu VCB đã tăng khoảng 60% trong vòng 1 năm qua, từ mức 56.000 đồng/cp lên mức 89.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu Vinhomes cũng tăng giá trong vòng 1 năm qua và hiện đang ở mức gần 88.000 đồng/cp.

{keywords}
Các ngân hàng có bước phát triển đột phá trong năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán, cho tới thời điểm này cũng có nhiều doanh nghiệp đang hướng tới ngưỡng lợi nhuận tỷ USD.

Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 15,6 ngàn tỷ đồng (670 triệu US), tăng 12,9% so với năm trước. PV GAS ghi nhận lợi nhuận 15,1 ngàn tỷ đồng. CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 12,8 ngàn tỷ đồng; Techcombank (12,8 ngàn tỷ đồng), Vietinbank (11,8 ngàn tỷ đồng)…

Có thể thấy, 2019 là một năm kỷ lục của nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn. Tính tới hết tháng 1/2020, số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh có lợi nhuận trên 3 ngàn tỷ đồng đã lên tới 25 đơn vị.

Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng và lên các mức cao mới nhờ kinh tế trong năm 2019 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp này đều có hoạt động mở rộng kinh doanh đáng kể.

{keywords}
Đại gia Việt hướng tới những mốc tỷ USD mới.

Tham vọng cho 1 thập kỷ mới

Năm 2019 các đại gia Việt chứng kiến hàng loạt những biến động lớn, từ chuyển đổi chiến lược, tái cơ cấu sắp xếp cho tới hợp tác và liên kết để cùng nhau phát triển và nhìn chung kết quả là tốt.

Đối với các ngân hàng, sự khởi sắc là rõ nét. Nợ xấu giảm, lợi nhuận tăng mạnh và tỷ lệ an toàn tăng cao. Các ngân hàng cũng đã đa dạng hóa nguồn thu để tăng doanh thu cũng như lợi nhuận.

Trong năm 2019, nhiều ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong việc xử lý nợ xấu và đáp ứng các tiêu chuẩn Basel 2 do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Vietcombank cũng như những ngân hàng khác như Techcombank, Vietinbank… đã mở rộng các dịch vụ kết hợp với công nghệ giúp các ngân hàng có thể mở rộng nguồn thu.

Trong trường hợp Vietcombank, ngân hàng này trong năm 2019 đã hợp tác với đối tác bảo hiểm FWD của Hong Kong. Với thỏa thuận này, FWD phải trả cho VCB một khoản khoảng 400 triệu USD cho thỏa thuận bancassurance. Khoản tiền này có thể hạch toán dần vào báo cáo tài chính của VCB.

Không chỉ đặt mục tiêu lợi  nhuận tăng vọt đạt 26,6 ngàn tỷ đồng trong năm 2020, Vietcombank đang hướng vào top đầu trong khu vực. Trong hội nghị kết thúc 2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng yêu cầu Vietcombank phấn đấu vào top 100 ngân hàng về quy mô tổng tài sản trong khu vực Châu Á.

Với Vinhomes của tỷ phú Vượng, 2019 cũng là năm kỷ lục. Doanh nghiệp này liên tục ra mắt các dự án, phân khu mới, với nhiều dịch vụ, tiện ích mang tầm vóc quốc tế như dự án Vinhomes Ocean Park với biển hồ nước mặn, Vinhomes Smart City với công viên chủ đề thể thao đa dạng nhất Việt Nam…

{keywords}
Các doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn kiếm bộn tiền từ bất động sản nhưng đang hướng trọng tâm sang công nghệ và công nghiệp.

Trong năm 2019, Vinhomes ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao do các dự án ghi nhận trong năm có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, đồng thời công ty có một năm hoạt động bán buôn thành công.

Trong khi các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và tận dụng sự phát triển của công nghệ thì Vinamilk đẩy mạnh mở rộng thị trường sang Trung Quốc, còn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục phát triển các đại dự án bất động sản và tấn công vào các lĩnh vực hoàn toàn mới với tham vọng lớn như: ô tô và công nghệ.

Trong lĩnh vực bán lẻ, VCM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Masan của ông Nguyễn Đăng Quang có cú bắt tay lịch sử. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương hợp tác với Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh và HAGL của Bầu Đức…

Theo chủ tịch Masan ông Nguyễn Đăng Quang, trong năm 2020 tập đoàn này sẽ hiện thực hóa tầm nhìn lấy người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội cho người tiêu dùng.

Trước đó, MCH của Masan và VCM của Vingroup đã sáp nhập thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. MSN là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới. Công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần MCH and 83,7% cổ phần VCM.

VCM dự kiến doanh thu đạt 45-48 ngàn tỷ đồng trong năm 2020. Trong khi MCH dự kiến doanh thu thuần năm 2020 dự kiến tăng 10-15%. Động lực tăng trưởng chính là đẩy mạnh xu hướng cao cấp hóa danh mục sản phẩm trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, tăng trưởng mạnh mẽ hai chữ số ở ngành hàng đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình.

Hàng loạt các doanh nhân Việt đã ghi nhận những thành công vượt trội trong thập kỷ vừa qua. Dấu mốc tỷ USD dường như là mốc khởi đầu cho 1 thập kỷ mới đầy tham vọng.

M. Hà