CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF), một công ty cháu chắt của Tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kế hoạch lãi ròng 650-750 tỷ đồng năm 2019 và chia cổ tức tỷ lệ 240% cho năm 2018.

Vinacafé Biên Hòa tiếp tục là một trong số ít hiếm hoi các doanh nghiệp chia cổ tức khủng đến như vậy. Tuy nhiên, hầu hết các cổ đông nhỏ lẻ không có phần trong cỗ máy in tiền này bởi Công ty TNHH Một Thành viên Masan Beverage (“MSB”), một công ty con của Masan Consumer đang nắm tới 98,49% cổ phần VCF.

Trong khi đó, Masan Consumer (MCH) là do một doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Đăng Quang nắm giữ tới hơn 95%.

Sở dĩ mảng cà phê mang lại lợi nhuận khủng cho nhà ông Nguyễn Đăng Quang, theo Masan Consumer là bởi, người tiêu dùng Việt Nam mạnh tay trong chi tiêu và ngày càng bị cuốn vào lối sống bận rộn và người dân ăn ở hàng quán nhiều hơn.

Gần đây, Vinacafe Biên Hòa đã có những bước tăng trưởng khá cao với những sản phẩm mới đến từ thói quen tiêu dùng nhanh và cường độ làm việc cao (như tăng lực và cà phê Wake-up 247). Trong khi đó, một đối thủ lớn là Trung Nguyên chứng kiến doanh thu lợi nhuận đi ngang nhiều năm và chìm trong mẫu thuẫn nội bộ giữa 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Trước đó, mặc tranh cãi về tiêu chuẩn nước mắm, Masan tung báo cáo tiêu thụ nước mắm và các sản phẩm khác tăng vọt. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang.

Trong 2018, doanh thu từ gia vị, mì ăn liền tăng 35% và 29% so với 2017. Ngành nước tăng lực cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức 36% so với 2017. Masan Consumer dự kiến năm 2019 sẽ đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong khoảng 20% đến 30% nhờ chiến lược gia tăng giá trị của các ngành hàng chính và sự gia tăng đáng kể cơ hội của các ngành hàng trụ cột mới.

Ông Nguyễn Đăng Quang được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 4 Việt Nam. Đại gia gốc Quảng Trị kín tiếng nhưng có các sản phẩm hiện diện hàng ngày trong mâm cơm gia đình Việt.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN)…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự bứt phá của một số cổ phiếu trụ cột đã giúp VN-Index tăng khá mạnh lên ngưỡng 1.000 điểm. Những cổ phiếu diễn biến tích cực gồm Vietcombank, Vinhomes, Petrolimex, GAS, SSI, HBC, Novaland…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực hơn trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong những phiên tiếp theo. Dù vậy, BVSC cũng lưu ý khả năng thị trường có thể gặp áp lực rung lắc mạnh khi tiếp cận vùng cản tâm lý quanh 1000 điểm trong phiên kế tiếp. Khối ngoại dự kiến sẽ vẫn duy trì hoạt động mua ròng trong một vài tuần kế tiếp. Điều này kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà đi lên của thị trường. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét theo kết quả lợi nhuận quý I và thông tin kế hoạch kinh doanh 2019 của các doanh nghiệp trong mùa ĐHCĐ. Một số ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, cao su, dầu khí và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực và thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn này, BVSC cho rằng, dòng tiền sẽ có sự luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu để hỗ trợ thị trường tăng điểm. Các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng 40-50% cổ phiếu. Hạn chế mua đuổi ở các mức giá cao trong phiên. Đồng thời, chỉ mở các vị thế trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu và ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có sẵn trong danh mục. Ngoài ra, có thể áp dụng chiến lược mua đón đầu ở các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang trong giai đoạn tích lũy.

Còn theo KIS, mặc dù dầu khí giúp thị trường tăng trưởng nhưng rủi ro điều chỉnh vẫn còn khi mốc 1.000 điểm trở thành kháng cự mạnh trong ngắn hạn. VN-Index cần phiên breakout để xác nhận xu hướng tăng hiện tại. Vì thế, nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu trước khi mua trở lại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, VN-Index tăng 8,3 điểm lên 997,56 điểm; HNX-Index tăng 1,05 điểm lên 108,93 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 56,76 điểm.

H. Tú