Ngân hàng đòi khách món nợ... 196 đồng

Câu chuyện về hành trình bi hài trả nợ 196 đồng cho ngân hàng được anh Phan Thanh Tùng (Hà Nội) chia sẻ trên trang cá nhân đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Anh Tùng cho biết, mấy năm trước, anh được nhân viên ngân hàng chào mời mở thẻ tín dụng miễn phí. Sau khi nhận thẻ, anh không dùng đến. 

Hai năm sau, anh nhận được điện thoại báo khoản nợ hơn 1 triệu đồng tiền phí duy trì. Anh đã tất toán khoản nợ này bằng cách thanh toán qua tài khoản cá nhân nhưng không biết vẫn còn thiếu 196 đồng.

{keywords}
Thông báo yêu cầu thanh toán khoản nợ tín dụng 196 đồng từ phía ngân hàng. Ảnh: FBNV.

Mới đây, anh Tùng té ngửa khi nhận được thông báo từ công ty thu hồi nợ cho biết anh còn thiếu 196 đồng. Theo thông báo đó, số dư nợ trên đã chậm thanh toán 968 ngày (tạm tính đến ngày 31/3) và yêu cầu anh Tùng phải sớm trả dứt điểm khoản nợ trên "để tránh các bất lợi không đáng có".

Do khoản nợ đã quá hạn, nên ngoài nợ gốc 196 đồng, anh phải trả thêm 5 đồng tiền phạt chậm nộp. Tổng cộng, anh Tùng phải thanh toán cho ngân hàng 300 đồng.

Giá trị khoản nợ không cao song việc trả nợ cũng không dễ dàng. Anh Tùng cho biết sau đó đã phải tìm hai tờ tiền mệnh giá 200 đồng để mang nộp vào ngân hàng tất toán khoản nợ trên.

Sau khi nộp tiền, anh Tùng yêu cầu nhân viên ngân hàng xác nhận về việc đã thanh toán hết nợ cũng như "thối" lại cho anh 100 đồng. Nhân viên ngân hàng sau đó đã trả lại cho anh Tùng một tờ 200 đồng vì "không có tiền thối".

{keywords}
Hóa đơn thanh toán khoản tiền 300 đồng của anh Tùng. Ảnh: FBNV.

Ngân hàng đòi món nợ... 1 đồng

Trước đây, việc khách hàng bị ngân hàng đòi các khoản nợ quá nhỏ, thậm chí không biết phải thanh toán thế nào cũng đã từng xảy ra. 

Năm 2013, trường hợp một khách hàng bị ngân hàng đòi món nợ... 1 đồng cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tất toán xong thẻ tín dụng đã hơn ba năm, sáng 19/11/2013, chị H. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhận được điện thoại từ ngân hàng thông báo vẫn còn nợ... 1 đồng. Nhân viên ngân hàng cho biết “vì món nợ này nên thẻ của chị chưa được tất toán” và đề nghị trừ tiền từ thẻ ATM để đóng thẻ tín dụng.

Đây là lần thứ hai chị H. gặp rắc rối với những món nợ không thể trả được này. Lần đầu tiên sau khi thẻ tín dụng hết hạn, chị H. đã thanh toán đầy đủ tiền cho ngân hàng nhưng mỗi tháng sau đó đều đặn nhận được tin nhắn thông báo còn nợ vài chục đồng. 

Sợ vướng nợ xấu nên chị phải đến ngân hàng yêu cầu xử lý. Sau đó, chị không còn nhận được bất kỳ thông báo nhắc nợ nào cho đến khi nhận được cuộc điện thoại vào ngày 19/11/2013.

Chị H. bức xúc vì sao đã đóng thẻ mà vẫn phát sinh nợ và vì sao đến hơn ba năm sau ngân hàng mới thông báo món nợ quá nhỏ như vậy.  Sau đó, ngân hàng lý giải là vì ngày thanh toán khoản nợ của chị H. không trùng với ngày chốt sao kê nên dù đã hai lần thanh toán nhưng khoản nợ của chị H vẫn tiếp tục phát sinh. Sau khi nhận được phản ánh của chị H, ngân hàng đã tự xử lý khoản nợ 1 đồng này thay vì trích từ tài khoản của khách hàng. 

Đòi 1.000 đồng vay từ hơn 15 năm

Ngày 16/2/2012, 20 hộ dân phường Đại Nài (TP. Hà Tĩnh) bất ngờ nhận được giấy đòi nợ quá hạn của Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh. Điều đáng ngạc nhiên là những khoản nợ gốc rất nhỏ nhưng lãi thì rất lớn.

Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Huy Thủy (phường Đại Nài). Ngày 16/2/2012, anh Thủy nhận được thông báo: "Ngày 4/1/1997, ông có vay ngân hàng 7 triệu đồng. Dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 1.000 đồng. Số tiền lãi quá hạn là 47,88 triệu đồng".

Anh Thủy kể trên Infonet, từ năm 2002, sau khi gia đình anh Thủy trả xong nợ phía ngân hàng không hề có bất cứ thông báo gì về khoản vay này nữa nhưng ngày 16/2/2012 anh nhận được thông báo như trên.

{keywords}
Giấy đòi nợ Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh gửi bà Uông Thị Liên.

Còn bà Uông Thị Liên (phường Đại Nài) nhận được giấy thông báo đòi nợ quá hạn có nội dung: Ngày 14/6/1995, bà có vay Ngân hàng NN&PNN Hà Tĩnh số tiền là 100 triệu đồng. Dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 6.000 đồng. Số tiền trên đã quá hạn lâu ngày để thu hồi vốn. Ngân hàng NN&PTNN TP. Hà Tĩnh - phòng Giao dịch số 4 yêu cầu bà mang số tiền gốc là 6.000 đồng và tiền lãi quá hạn là 75,67 triệu đồng đến tại số 504 đường Hà Huy Tập - TP. Hà Tĩnh để thanh toán trước ngày 26/2/2012.

Hơn 500 hộ dân bị ngân hàng đòi nợ sau 20 năm vay vốn

Báo Phụ nữ TP.HCM thông tin, năm 1995, 741 hộ dân ở các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, được cho vay với số tiền là 3,157 tỷ đồng, tiền lãi là 7,634 tỷ đồng. Đây là số tiền được Chính phủ chỉ đạo cho dân vay để chuyển đổi từ làm pháo sang làm nghề khác, khi lệnh cấm pháo được thực thi vào dịp tết 1995.

Đến ngày 8/12/2015, các hộ này được mời lên UBND phường để nghe thông báo trả nợ.

Bà con cho rằng, có nợ thì phải trả, nhưng ngân hàng đã không rõ ràng trong việc đòi nợ. Thời gian quy định phải trả là 36 tháng, nhưng để 20 năm không đòi, dân tưởng Nhà nước đã xóa nợ, ai ngờ...  Đã vậy, phần lớn bà con thiếu nợ đều trong diện hộ nghèo, quá tuổi lao động, già yếu; thời điểm đòi nợ lại rơi vào cuối năm, nên càng khó khăn.

Nợ 1 đồng vẫn là nợ

Hiện nay, việc nhắc nợ và truy thu được quản lý tự động trên hệ thống. Thế nên, có những khoản nợ rất nhỏ vẫn tiếp tục được áp dụng quy trình thu hồi nợ tự động.

Về nguyên tắc, các khoản nợ dù chỉ 1 đồng vẫn là nợ. Nhưng trên thực tế, những khoản nợ quá nhỏ như vài đồng, vài trăm đồng như vậy phía ngân hàng sẽ có quỹ để tự xử lý và không đòi khách hàng vì chi phí quản lý, thu hồi nợ quá lớn so với số nợ thực tế. 

Các chuyên gia cho biết, hầu hết các khoản nợ rất nhỏ đều phát sinh từ thẻ tín dụng. Do vậy, khi tất toán nợ thẻ tín dụng, khách hàng nên để ra một số dư nhỏ, phòng trường hợp có phát sinh, khiến khoản nợ vô tình rơi vào danh sách nợ xấu. Và theo lý thuyết còn dính nợ xấu thì lý lịch tín dụng của khách hàng cũng bị đánh giá thấp.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)