Ngày 5/3, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức Toạ đàm về “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí”.

Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho hay: Trong những năm gần đây, theo đánh giá của UBCKNN, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) và chất lượng công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt so với trước, các doanh nghiệp niêm yết đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và quản trị công ty theo quy định. Trong vài năm gần đây, các vi phạm về minh bạch thông tin mà cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin đã giảm rõ rệt trong tổng số các vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán.

{keywords}
PVpower lên sàn chứng khoán vào tháng 3/2018.

Mặc dù vậy, theo ông Điền, hoạt động Quan hệ cổ đông (IR) của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tình trạng vi phạm hành chính về công bố và minh bạch thông tin hiện vẫn còn khá phổ biến. Chất lượng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp còn thấp, việc công bố báo cáo tài chính còn chậm.

Một số doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót. Chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Đề cập đến cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, ông Lê Công Điền đánh giá tại rất nhiều thời điểm, đây là nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động IR, minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp ngành dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp dầu khí đã rất tích cực, chủ động trong tổ chức hoạt động quan hệ nhà đầu tư, nhờ vậy đã nâng cao được hình ảnh, uy tín và giá trị của doanh nghiệp mình trong con mắt nhà đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2018, nhờ tổ chức hoạt động quan hệ nhà đầu tư thành công, 3 đơn vị của PVN là PVOil, PVPower và Lọc Hóa Dầu Bình Sơn đã cổ phần hóa và bán vốn thành công, mang lại cho Nhà nước 6.500 tỷ đồng, đưa các doanh nghiệp này phát triển hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Điền, bên cạnh những điểm sáng nói trên, hoạt động quan hệ nhà đầu tư của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí cần được cải thiện nhiều trong thời gian tới. Trong năm 2018, số liệu thống kê của Ủy ban chứng khoán nhà nước về tình hình công bố thông tin của 21 doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết trên cả hai SGDCK Tp.HCM và Hà Nội cho thấy, hoạt động báo cáo và công bố thông tin đã được phần lớn các doanh nghiệp ngành dầu khí chú trọng và thực hiện theo quy định. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nộp muộn BCTC, báo cáo quản trị công ty hay thiếu BCTC quý.

Chia sẻ về hoạt động quan hệ cổ đông (IR), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER - mã POW) cho biết: Những bước đầu POW thực hiện hoạt động quan hệ cổ đông (IR) bắt đầu từ giai đoạn đầu quá trình cổ phần hóa.  Bắt đầu khi anh Đinh Văn Sơn – Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa PV POWER đề xuất Chính phủ phải chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 20%”.

Bà Ngọc Bích bộc bạch: Các chuyên gia tài chính, chứng khoán chia sẻ với chúng tôi rằng áp lực sẽ là rất lớn, bởi thị trường chứng khoán sẽ phải tiếp nhận khối lượng lớn cổ phiếu. Tuy vậy, với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán và Sở, phiên đấu giá IPO đã thành công. Theo đó, 100% lượng cổ phần chào bán được mua. Cụ thể, 1.928 nhà đầu tư đã mua toàn bộ 20% vốn cổ phần chào bán của PV Power với giá trúng bình quân 14.938 đồng/ CP, cao hơn 500 đồng so với giá khởi điểm.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LeBros cho rằng: Các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung còn yếu về IR. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa hiểu rõ bản chất của công tác này.

Theo ông Vinh, IR là hoạt động PR chiến lược gắn liền với quản trị, tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thị, phù hợp với các luật đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, tài chính, nhằm đảm bảo quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị doanh nghiệp.

“Giá trị thương hiệu là tổng hợp giá trị vô hình của doanh nghiệp, trong đó vai trò của PR và IR là rất lớn. PR không phải tô hồng DN, mà là nói lên sự thực, kết hợp với phương tiện truyền thông để truyền tải sự thật đó. Tuy nhiên phải được truyền tải thông minh, khéo léo”, ông Vinh chia sẻ.

H.Duy