Tuy nhiên, hiệu quả của việc đòi nợ này chỉ đạt chưa tới 1% (mới chỉ đòi được khoảng 2.035 tỷ đồng). 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký ban hành văn bản số 3548/UBND-KT, gửi Bộ Tài chính báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TPHCM.

{keywords}
UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Văn bản cho biết, tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn TPHCM có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, có đến 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố người nước ngoài, với tổng số người làm nghề này là 711 người, gồm: 706 người Việt Nam và 5 người nước ngoài.

Theo đó, tổng số nợ mà các công ty đòi nợ được nhận ủy quyền “lấy dùm” là hơn 362.370 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng số nợ đã đòi được theo ủy quyền chỉ có khoảng 2.035 tỷ đồng.

Văn bản cũng cho biết, qua kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp trong tổng số các công ty đòi nợ, Công an TPHCM đã phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, qua đơn phản ánh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền là 1,5 triệu đồng.

Theo UBND TPHCM, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đối tượng “núp bóng” các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay “tín dụng đen”  nhằm thu lợi bất chính.

Trường hợp nếu các con nợ không trả, những công ty đòi nợ thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tiến hành đòi nợ trái pháp luật làm sợ hãi hoặc gây hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, hiện nay các công ty đòi nợ thuê đã biến tướng thành lập thêm pháp nhân công ty bảo vệ, khi tiến hành đòi nợ thuê thì sử dụng nhân viên bảo vệ tham gia để gây áp lực khách hàng, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý hành chính của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, UBND TPHCM cho rằng, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc để toà án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như: Toà án, Viện Kiểm sát, Thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của toà án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

{keywords}
Văn bản số 3548/UBND-KT mà Phó chủ tịch UBND TPHCM  Trần Vĩnh Tuyến vừa ký ban hành

Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẻ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư, hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Do đó, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vu đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

(Theo Dân trí)