Động thái bất ngờ của chính phủ mới của Anh tạm dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point là một ví dụ nữa cho thấy sự lo ngại của nhiều nước đối với các dự án có sự tham gia của DN Trung Quốc, tài trợ vốn từ Trung Quốc…


Những cú phanh gấp tỷ USD

Cuối tuần qua, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với tổng vốn đầu tư gần 24 tỷ USD ở phía Tây Nam nước Anh do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia khi dự án có nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Chính phủ của bà May cho biết họ “cần thêm thời gian để đánh giá lại dự án”. Quyết định được đưa ra chỉ vài giờ sau khi trước khi lễ ký kết diễn ra.

Hinkley Point là dự án do tập đoàn năng lượng EDF của Pháp làm chủ đầu tư nhưng được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót 33% vốn và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron, sau khi Anh và Trung quyết tâm xây dựng “Kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ giữa hai nước.

{keywords}
Nhiều nước lo ngại về các dự án liên quan tới Trung Quốc.

Trong vài năm gần đây, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã hoãn hàng loạt các dự án Trung Quốc, nhất là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để cân nhắc kỹ lưỡng giữa những cái được và cái mất, lợi nhuận và rủi ro.

Đầu 2016, theo tờ Nikkei và The Jakarta Post, Indonesia đã yêu cầu các NĐT Trung Quốc dừng xây đường sắt cao tốc trị giá 5,5 tỷ USD Jakarta - Bandung chưa có đầy đủ giấy tờ.  Trước đó, Sri Lanka cũng đã ngưng một dự án BĐS trị giá 1,5 tỷ USD ngay thành phố cảng Colombo với cáo buộc NĐT Trung Quốc vi phạm luật pháp và gây tổn hại môi trường.

Chính phủ Myanmar cũng đã từng ngưng dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD, trong đó có 90% vốn do chính phủ Trung Quốc tài trợ và nhà thầu Trung Quốc thi công.

Hồi tháng 3/2016, Thái Lan cũng đã tính tới chuyện dùng vốn nội để đầu tư dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok tới tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì vay vốn Trung Quốc.

Hôm 8/6 vừa qua, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) sau chưa đầy 9 tháng sau khi công bố với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất.

{keywords}
Trung Quốc đang đổ vốn vào nhiều nước trên thế giới.

Dính vào khó rút

Trong vài năm gần đây, các DN Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn ở nhiều nước trên thế giới nhờ giá rẻ và nguồn vốn hỗ trợ luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở các nước này do lo ngại về tính chất nhạy cảm của dự án, về chất lượng công trình và sự thật vốn vay giá có rẻ hay không.

Với Hinkley Point ở Anh, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Thủ tướng May trì hoãn quyết định đầu tư dự án hạt nhân sử dụng một phần vốn từ Trung Quốc để tránh rủi ro về sau cho nước Anh.

Còn với Myanmar, Myitsone là dự án đập đầu tiên trên dòng sông thiêng Irrawaddy, có dòng chảy lớn nhất, thủy lộ quan trọng nhất ở nước này và trước từng là dự án trọng điểm của chính quyền quân sự trước đó.

{keywords}
Xây dựng cơ sở hạ tầng tại những nơi trọng yếu ở các nước là ưu tiên của Trung Quốc.

Nhiều quyết định tạm dừng, đình hoãn đã được đưa ra và được đánh giá là đúng đắn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chính phủ các nước đang gặp khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm những dự án nhạy cảm này.

Bà Theresa May có vài tháng nữa để đưa ra quyết định cuối cùng cho dự án điện hạt nhân Hinkley Point trong khi Bắc Kinh đang đưa ra những lời đe dọa và cảnh báo, trong đó có tuyên bố sẽ rút các khoản đầu tư trị giá 100 tỷ bảng Anh khỏi đất nước này.

Myanmar trong khi đó cũng không thể dứt khỏi dự án thủy điện Myitsone và đang tính sẽ đàm phán các điều khoản với Trung Quốc “để không ảnh hưởng đến mối quan hệ thân thiết giữa hai nước”. Thông tin trên Reuters hồi giữa tháng 7 vừa qua cho thấy, Trung Quốc vẫn đang trao đổi vơi Myanmar và đang cố gắng cải thiện hình ảnh của mình.

Còn với Sri Lanka, chính phủ nước này đang đối mặt với vụ DN Trung Quốc kiện vì làm ngưng trệ dự án xây dựng thành phố cảng Colombo. Trên Reuters hôm 2/8, chính phủ Sri Lanka cho biết, phía Trung QUốc không còn khiếu kiện nhưng đòi thêm đất cho dự án, trong đó có yêu cầu đòi sở hữu vĩnh viễn 20ha ở vùng cảng Colombo mà nước láng giềng Ấn Độ phải sử dụng để vận chuyển 80% hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện tại, Thái Lan cũng không thể đàm phán được với phía Trung Quốc về mức giá để thực hiện dự án đường sắt cao tốc 252,5km từ Bangkok tới tỉnh Nakhon Ratchasima. Ngay cả vấn đề sử dụng hoàn toàn vốn nội cũng chưa thể thực hiện được. Theo tờ BangKokPost, tới cuối tháng 7 vừa qua, qua 12 cuộc họp, 2 bên chính quyền Thái và Trung Quốc vẫn thất bại trong việc đưa ra mức vốn đầu tư chính xác. Thành công tạm thời của Thái Lan là thống nhất mức trần là 179 tỷ baht, khoảng 5,1 tỷ USD.

Trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, việc cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích quốc gia là điều mà nhiều chính phủ nghĩ tới. Tuy nhiên, quyết định sao cho đúng và giải quyết hậu quả như thế nào lại là một vấn đề nan giải. Gần đây, có lẽ chỉ có Mexico (hồi cuối 2014) đủ dũng cảm thẳng tay hủy hợp đồng với Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRI) trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 3,75 tỷ USD cho dù phải bối thường.

H. Tú