Trong bối cảnh vốn ODA từ các đối tác truyền thống như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á,... sụt giảm, nhiều dự án trong nước tìm đến nguồn vốn Trung Quốc. Song, nhiều chuyên gia cảnh báo, cần hết sức thận trọng vì vốn vay Trung Quốc rất khó lường.

Vốn Trung Quốc: Tưởng rẻ hóa đắt

Cách đây ít lâu, việc Bộ Giao thông Vận tải muốn làm dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trong đó vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng, đã gây xôn xao dư luận. Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị để Quảng Ninh là chủ đầu tư dự án, từ chối vay khoảng 300 triệu USD từ Trung Quốc.

“Để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn", ông Long bày tỏ sự băn khoăn với PV. VietNamNet khi nói về quyết định nói không với vốn vay Trung Quốc khi đó.

{keywords}
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục đội vốn, chậm tiến độ. Ảnh: Lương Bằng

Điều này cũng được các chuyên gia mổ xẻ kỹ lưỡng tại buổi tọa đàm "Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc”, diễn ra ngày 29/11.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR, cho rằng: Mua xe máy Tàu tuy rẻ thật, nhưng bỏ thêm ít tiền mua xe Nhật thì tốt hơn hẳn.

Nói về đồng vốn vay Trung Quốc ở Việt Nam, chuyên gia này dẫn chứng: Nhìn cầu Nhật Tân vay vốn Nhật Bản với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc là biết.

Khi đó, "quan điểm vay vốn Trung Quốc giá rẻ có thể bị chứng minh là sai. Bởi, các dự án vốn vay Trung Quốc thường đi liền với đội vốn, đó là điều chúng ta không xa lạ gì. Ngoài ra, với dự án vay vốn Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng lobby, hối lộ người giao thầu. Đến khi triển khai dự án thì số vốn bỏ ra cao hơn gấp nhiều lần con số ban đầu", ông Thành nói.

Đó là chưa kể Trung Quốc có tình trạng “tiền đi đến đâu, người đi đến đó”, tức người Trung Quốc sẽ ùn ùn có mặt ở những nơi có bóng dáng của đồng vốn Trung Quốc. Vấn nạn lao động Trung Quốc làm việc “chui” ở Việt Nam chính là nỗi lo hiện hữu lâu nay.

{keywords}
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc.

Dẫn trường hợp đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phàn nàn: Vừa rồi chúng ta phải vay thêm 250 triệu nữa mà vẫn chưa biết bao giờ xong.

Mỗi lần dự án tăng vốn là người dân đóng thuế phải trả. Còn trách nhiệm cuối cùng có quy được ai đâu”, bà Lan nói.

“Gánh nợ vốn vay Trung Quốc thường lớn hơn số vốn vay ban đầu rất nhiều. Đó là tại cả mình chứ không phải chỉ tại họ”, bà Lan đúc rút.

Không lường hết được

Nhìn rộng ra sự hiện diện của vốn vay Trung Quốc trên toàn cầu, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng: Từ sau 2013, Trung Quốc đã sáng lập ra một loạt định chế tài chính song phương và đa phương, nổi bật nhất là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ 100 tỷ USD cùng một loạt các quỹ khác như Quỹ con đường tơ lụa với vốn 40 tỷ USD, Quỹ con đường tơ lụa xanh,...

Theo TS Thành, vay vốn Trung Quốc dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều việc vay từ Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng châu Á,... Bởi Trung Quốc không đặt nặng 2 vấn đề các quốc gia đang phát triển rất sợ là môi trường và nhân quyền. Nhưng điều kiện nhận vay là phải dùng nhà thầu Trung Quốc, 50% máy móc thiết bị nhập của Trung Quốc, hoàn trả khoản nợ dưới dạng nguyên liệu thô.

Điều kiện vay vốn dễ dàng của Trung Quốc có phải là tốt với nước đang phát triển? Ông Thành cho rằng: Trung Quốc biết các quốc gia đang phát triển yếu gì, lảng tránh gì thì Trung Quốc cung cấp điều đó. Với quốc gia đang phát triển, tình trạng tham nhũng còn nhiều, không thể giảm được nếu không có ràng buộc từ bên cung cấp vốn. Thực tế vốn Trung Quốc khiến tham nhũng tràn lan hơn, như vậy hiệu quả dự án thấp, lãng phí.

Cho rằng nếu tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng từ Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả lớn, không lường hết được, ông Thành khẳng định: "Cá nhân tôi cho rằng cần thận trọng tiếp cận khoản vay Trung Quốc. Rất nhiều dự án có thể nói không".

Lương Bằng