Vượt 1.000 điểm sau hơn nửa năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với quy mô vốn khoảng 130 tỷ USD vừa trải qua một phiên tăng điểm khá ấn tượng với chỉ số VN-Index lần đầu tiên nhiều tháng đã lấy lại được mốc 1.000 điểm với giao dịch khá sôi động.

Chốt phiên giao dịch 30/10, chỉ số VN-Index tăng 5,02% (+0,5%) lên 1.000,89 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 1,21 điểm (+1,15%) lên 105,89 điểm. Ngược lại, chỉ số UPCOM-Index giảm 0,12 điểm (0,22%) xuống 56,24 điểm.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2019 chỉ số VN-Index đã tăng trở lại mốc tâm lý 1.000 điểm. Nó khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích và tin vào một triển vọng tốt đẹp của thị trường chứng khoán hơn sau 7 tháng liên tiếp VN-Index nghấp nghé ngưỡng quan trọng này.

Sở dĩ VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm là nhờ giao dịch tích cực của một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có bộ ba cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE).

{keywords}
VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, dầu khí và nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)… cũng đóng góp tích cực vào phiên tăng điểm của thị trường. Một số mã tăng điểm nổi bật như: Vietcombank (VCB), Ngân hàng Á châu (ACB), PV Gas (GAS), Petrolimex (PLX), Sabeco (SAB)…

Nhóm bất động sản bất ngờ tăng trở lại, cùng với đó là diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một thời gian dài giao dịch ảm đạm với tâm lý thận trọng bao trùm. Giới đầu tư lo ngại về triển vọng u ám của các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, thị trương bất động sản trầm lắng và thị trường tài chính được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến động bất định trên thế giới, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong tháng 3/2019, sau 3 lần thất bại trước mốc 1.000 điểm, VN-Index cũng đã chinh phục thành công ngưỡng này. Tuy nhiên, thị trường biến động tiêu cực sau đó do dư địa tăng trưởng trong nước cũng như thế giới không còn nhiều.

Triển vọng chung 2019 khi đó được đánh giá không còn sáng sủa, kinh tế thế giới có thể suy giảm tăng trưởng khi mà cả Mỹ và Trung Quốc đều thay nhau công bố những số liệu xấu dần. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, tham vọng và sự mở rộng quy mô của nhiều đế chế tỷ USD trên sàn chứng khoán, với những cái tên nổi bật như: Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup… đã góp phần giúp thị trường tương đối cân bằng. Chỉ số VN-Index do vậy chỉ xoay quanh ngưỡng 960-990 điểm trong nhiều tháng.

{keywords}
Gió đảo chiều, bước ngoặt mới của guồng máy 130 tỷ USD

Gió đổi chiều, cơ hội mới trong năm tới

Đánh giá về đợt vượt ngưỡng 1.000 điểm lần này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cũng xác nhận là nhờ sự bứt phá của nhiều các cổ phiếu trụ cột.

Trên thực tế, đợt tăng lần này chưa có độ lan tỏa. Nó cũng đồng nghĩa với việc đa số các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chưa bứt phá, và có thể nói số đông các nhà đầu tư trên thị trường chưa kiếm được tiền.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, đợt tăng điểm này cũng nhờ vào kết quả kinh doanh khá tốt của một số ngành như: ngân hàng, tiêu dùng, FMCG, bất động sản công nghiệp, năng lượng, tiện ích. Còn ở chiều ngược lại là nhóm bất động sản, vật liệu và xây dựng… Hàng loạt ngân hàng báo lãi khủng, lãi lịch sử, trong đó có Vietcombank đã lãi tới 17,6 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hầu hết các ngành sẽ ổn hơn trong năm tới nhờ một sự đảo chiều chính sách. Cũng như trên thế giới, Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Các lĩnh vực như hạ tầng, bất động sản… cũng sẽ hưởng lợi.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng cho rằng TTCK sẽ tăng trưởng ổn hơn sau một thời gian tích lũy khá dài. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, khu công nghiệp, bất động sản, logistics… sẽ hưởng lợi.

Trong thời gian qua, dòng vốn đầu tư gián tiếp đã chảy mạnh vào Việt Nam, tập trung vào các nhóm tiêu dùng, FMCG, bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, năng lượng, tiện ích… Xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn.

{keywords}
Chứng khoán trầm lắng trong hơn nửa năm qua.

Một khi dòng vốn ngoại vào, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, như trong trường hợp Sabeco chứng kiến lợi nhuận bứt phá, hoạt động hiệu quả hơn nhiều sau khi về tay người Thái.

Về chính sách, Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có tính đến độ hấp thụ của nền kinh tế. Việc các thành phố lớn đẩy mạnh các khu đô thị vệ tinh cũng sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dòng vốn tín dụng trong năm tới nên ưu tiên nhiều hơn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thì mới thực sự tốt và bền vững. Vốn nếu chỉ tập trung dồn cho các tập đoàn lớn thì đồng nghĩa với việc tích tụ rủi ro.

Việc khởi động 2 dự án điện khí lớn ở Vân Phong, Khánh Hòa và Bình Thuận cũng là một tín hiệu tốt.

Một tín hiệu đảo chiều nữa là trên phạm vi thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã hạ nhiệt. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có cú đảo chiều chính sách chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua. Fed đã quay sang nới lỏng tiền tệ, có thể cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong phiên họp cuối tháng này (giờ Mỹ).

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm khá rõ ràng và đây được xem là biến số có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Một cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế nhỏ khác.

M. Hà