Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực: vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…và những ngành chịu tác động khác theo đánh giá cập nhật và thông báo của ngân hàng… sẽ được Vietcombank xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể, ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn; giảm lãi suất đối với dư nợ 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.

Đồng thời, thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB.

{keywords}
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho các đối tượng ảnh hưởng do virus corona

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian triển khai gói hỗ trợ từ11/02/2020 đến hết 30/04/2020.

Theo ông Tùng, sơ bộ chỉ riêng với các khách hàng DN lớn thuộc đối tượng trên đã có dư nợ của các khoản vay hiện hữu hiện khoảng 30.000 tỷ đồng. Như thế, ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng. Tuy nhiên, không thể tính toán thiệt hơn mà điều quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn, ngân hàng và DN cùng Chính phủ ổn định và tình hình kinh tế.

Như vậy, đến thời điểm nay, sau khi có yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều ngân hàng ra chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV như: gói tín dụng ưu đãi lãi suất để kích cầu, hỗ trợ khách hàng, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ…

VPBank công bố giảm lãi vay tối đa 1,5%/năm với khoản vay không có tài sản bảo đảm (vay tín chấp) và giảm 1%/năm cho các khoản vay có tài sản bảo đảm. NH TMCP Kiên Long giảm lãi suất cho vay tối đa 3%/năm đối với khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối… đã nhận cấp vốn tín dụng trong thời gian qua.

Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mức hỗ trợ sẽ do ngân hàng xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% mỗi năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3% một năm với cho vay trung dài hạn.

Eximbank có các gói cho vay ưu đãi hướng đến một số lĩnh vực có thể gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch nCoV. Cụ thể, gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa với lãi suất từ 6,99%/năm và cố định trong suốt thời hạn vay (ở một số kỳ hạn vay ngắn hạn). Trong thời gian tới, NH sẽ nhanh chóng triển khai gói vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm đối với DN lớn và gói vay USD với tổng hạn mức là 50 triệu USD, lãi suất từ 3,2%/năm.

Trước đó, để ứng phó với ảnh hưởng của dịch nCoV, NHNN đã có văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch corona.

Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sánh tiền tệ các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, rà soát, đánh giá để xem xét điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona chủng mới (nCoV).

Hoàng Nam