Theo các chuyên gia, để hạn chế loại hình cho vay này, cần phát triển tài chính tiêu dùng để giải bài toán nhu cầu vốn cho người dân. Do đó, tài chính tiêu dùng cần được tạo điều kiện thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng để phát triển bền vững trong tương lai.

Dân “khô” vốn nên tìm “tín dụng đen”

Thời gian qua, mặc dù có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa công an, các cơ quan quản lý, ngân hàng và các công ty tài chính nhưng “tín dụng đen” vẫn như những cánh tay được nối dài, len lỏi ngày càng sâu, rộng trong xã hội.

Nhìn vào hàng loạt các sự vụ được phản ánh trên báo chí gần đây có thể thấy, đối tượng đi vay vô cùng đa dạng: Từ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cho tới các hộ kinh doanh cá thể, hộ nghèo, đối tượng sinh viên, cả cán bộ công chức, đối tượng chơi cờ bạc, lô đề, hoặc người cần tiền đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp… Bất cứ ai, cũng có thể trở thành khách hàng của “tín dụng đen”.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Phúc.

Bởi như số liệu ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty FE Credit dẫn chứng tại Tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra mới đây cho thấy, gần nửa dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ này rơi vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – thấp, không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập và dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.

“Khi nhu cầu vay rất lớn trong khi người dân bị giới hạn trong việc tiếp cận TDTD thông qua các kênh chính thống đã vô tình tạo nên một thị trường màu mỡ cho “tín dụng đen” khai thác”, ông Phúc nhận định.

Lý giải dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, gần đây, “tín dụng đen” đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.

Có thể khẳng định, “khát vốn” trầm trọng đang là căn nguyên sâu xa để “tín dụng đen” vẫn còn đất sống, và ngày càng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Các gói tín dụng vay và các thủ tục để người dân tiếp cận với hệ thống ngân hàng chưa phổ biến; các sản phẩm tài chính của các tổ chức tín dụng còn chưa rộng khắp và chưa thuận tiện để tiếp cận, chính là nguyên nhân khiến cho “tín dụng đen” như những tên “cướp ngày”, càn quét từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, các thành phố lớn đến vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa…
 
Phát triển tín dụng tiêu dùng để hạn chế “tín dụng đen”

{keywords}
 Gần đây, “tín dụng đen” hoành hành từ vùng nông thôn đến thành phố đã gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia thống nhất quan điểm rằng, việc tìm ra giải pháp tăng hạn mức cho vay tiêu dùng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính, cho vay tiêu dùng thực sự có nhiều mặt tích cực nên cần nhìn nhận khách quan và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. “Vay tiền ngân hàng thì yên tâm về mặt thủ tục pháp lý nhưng liệu ngân hàng có cung cấp các gói vay cực nhỏ, chỉ 1 - 2 triệu đồng hay không? Lãi suất vay tiêu dùng của ngân hàng cũng không hề thấp, thủ tục lại phức tạp. Trong khi đó, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, hệ thống bán lẻ… lại đáp ứng được nhu cầu vay với thủ tục đơn giản hơn ngân hàng”, ông Độ phân tích.

Để cho vay tiêu dùng thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thị trường, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nên để bên vay và bên cho vay thỏa thuận lãi suất theo thị trường. Ông nói: “Nếu áp trần lãi suất cho dịch vụ này thì thị trường không phát triển được. Mục tiêu của tổ chức tài chính là lợi nhuận chứ không thể yêu cầu họ cho vay như làm “từ thiện”. Vì thế, cần có sự kiểm soát của Nhà nước từ góc độ pháp luật để họ cũng có lợi mà người dân không bị đe dọa thiệt hại lớn”.

Trong khi đó, về phía các công ty tài chính, “việc tận dụng sức mạnh của công nghệ "trong thời đại cách mạng 4.0 sẽ giúp các công ty tài chính tiếp cận và mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay", bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam) cho biết.

Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh đến các giải pháp để phát triển tài chính tiêu dùng cần tập trung vào việc: Tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ cho vay tiêu dùng, đặc biệt phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều này cần sự phối hợp của các cơ quan bộ ngành liên quan…

Ngoài ra, quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để TCTD phát triển bền vững cần nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện với hành lang pháp lý thông thoáng. NHNN cũng nên nghiên cứu kỹ để có một hạn mức tín dụng đủ rộng cho các công ty tài chính phát triển. Bởi theo thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ room tín dụng vì đây là mệnh lệnh hành chính (không nên có trong nền kinh tế thị trường) và là rào cản lớn để các TCTD có năng lực chủ động phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Khi cơ hội rộng mở sẽ có thêm nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường, tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Khi đó, người được hưởng lợi là khách hàng và nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Khi có nhu cầu về vốn, người dân nên chủ động đến ngân hàng vay. Thực tế thủ tục không khó khăn đến mức như nhiều người nghĩ. Hiện điều kiện hết sức thuận lợi, nhiều sản phẩm tín dụng đơn giản, phù hợp với các đối tượng vay.

Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cho vay. Ngân hàng sẽ mở rộng mạng lưới hơn nữa, nhất là tới các vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Cụ thể là đưa những mô hình tín dụng lưu động, những sản phẩm thuận lợi để người dân tiếp cận”.

 Minh Tú