Thỏa thuận bất thành, 1 cuộc chiến mới

Giá dầu bất ngờ giảm 30% ngay phiên giao dịch đầu tuần mới sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thất bại trong một thỏa thuận với các đồng minh liên quan tới việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí.

Saudi Arabia đã giảm mạnh giá dầu trong bối cảnh nước này có kế hoạch tăng sản lượng khai thác và dẫn đến sự lo ngại về một cuộc chiến toàn lực về giá.

Giá dầu ngọt nhẹ Brent tương lai trên thế giới đã tụt giảm 30% xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016: 31 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tại Mỹ giảm 27% xuống 30 USD và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Đây được xem là một cách tiếp cận theo hướng hủy diệt của Saudi Arabia trong việc xử lý vấn đề dư thừa nguồn cung kéo dài. Saudi Arabia được biết đến là đất nước có giá thành sản xuất dầu thấp nhất thế giới.

Đây sẽ là điều tồi tệ cho nhiều sản xuất dầu khác, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong mảng sản xuất dầu khí đá phiến tại Mỹ.

{keywords}
Biến động giá dầu WTI 1 tháng qua. Phiên đầu tuần, giá có lúc giảm 30% xuống 30 USD/thùng.

Hôm thứ 7, Saudi Arabia đã bất ngờ tuyên bố giảm giá khủng cho mặt hàng dầu khí giao tháng 4 và quốc gia này, theo Reuters, đang chuẩn bị tăng sản lượng lên trên 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4, so với mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện tại. Saudi Arabia cũng có khả năng tăng sản lượng lên 12,5 triệu thùng ngày.

Theo Reuters, nhà xuất khẩu dầu số một thế giới Saudi Arabia tuyên bố tăng sản lượng dầu thô giữa bối cảnh thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa OPEC và Nga sẽ chính thức hết hạn cuối tháng 3 này.

Thỏa thuận ba năm giữa OPEC và Nga đã kết thúc vào ngày 6/3, sau khi Nga từ chối tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn nữa để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Quyết định đại diện OPEC - Saudi Arabia là một lời đáp trả.

Ngay sau động thái bất ngờ của Saudi Arabia, nhiều đánh giá cho rằng ngay trong tuần này một cuộc chiến về giá dầu giữa OPEC và Nga sẽ xảy ra

Cuộc chiến lần này dự báo sẽ tồi tệ hơn cuộc chiến giá dầu gần nhất hồi tháng 11/2014 bởi vì giá dầu giảm lần này không chỉ vì nguồn cung tăng lên mà còn do cầu tụt giảm trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý 2 và quý 3 xuống 30% và cảnh báo khả năng có thể xuống mức đầu 20 USD/thùng.

Thế giới chao đảo, nước Nga gặp khó

Một cuộc chiến thứ 3 đã bắt đầu và ngay lập tức khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Thị trường chứng khoán thế giới biến động hoang diện ngay khi bắt đầu một tuần mới.

Theo Bloomberg, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng vọt và khiến lợi tức tụt giảm xuống mức thấp chưa từng có. Trong tuần trước lần đầu tiên trong lịch sử lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới ngưỡng 1%/năm, thì đầu tuần mới đã xuống dưới 0,5%/năm. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu tiên xuống dưới 1%.

Mức giảm giá 30% ở một thời điểm cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

{keywords}
Cuộc chiến thứ 3 khiến thế giới chao đảo.

Chỉ số S&P 500 tương lai của Mỹ giảm 5% và dẫn tới tình trạng hạn chế giao dịch.

Đồng krone của Na Ủy xuống mức thấp nhất kể từ những năm 80 thế kỷ trước, đồng peso của Mexico giảm 6% xuongs mức thấp nhất kể từ sau cuộc chiến bức tương biên giới với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lợi suất trái phiếu 10 năm Úc và New Zealand cũng xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ số chứng khoán Úc đang chứng kiến một phiên giảm mạnh nhât kể từ 2008. Trong khi đó đồng yyen Nhật lên mức cao nhất kể từ 2016.

Thị trường tài chính thế giới chao đảo còn do dịch bệnh do virus corona đang bùng phát ở nhiều nước châu Âu và cả Mỹ và các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này đang gây ra những nguy cơ khiến kinh tế suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng.

Theo Bloomberg, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào bế tắc. Trong một kịch bản xấu nhất, sự suy giảm kinh tế có thể bao gồm suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản, mức tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc và thiệt hại tổng cộng 2,7 ngàn tỷ USD, con số tương đương với GDP của Anh.

Theo đó, điểm khởi đầu cho phân tích là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi doanh số ô tô đã giảm 80%, lưu lượng du khách giảm 85% so với mức bình thường và PMI đang chạm mức thấp kỷ lục. Nền kinh tế Trung Quốc đã gần như dừng lại hoàn toàn.

{keywords}
Saudi Arabia quyết định nâng lượng dầu sản xuất và giảm mạnh giá.

Bloomberg Economics ước tính rằng tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2020 đã giảm xuống còn 1,2% so với năm trước. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng lấy lại phong độ vào tháng 3, dự báo đó có thể vẫn còn là lạc quan so với thực tế.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trước đó cũng đã cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2,4% từ 2,9% và cảnh báo rằng nó thậm chí có thể giảm xuống mức 1,5%.  Goldman Sachs dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong nửa đầu năm nay. WB ước tính chi phí của đại dịch cúm nghiêm trọng có thể ở mức 4,8% GDP toàn cầu.

Nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ thấp nhất kể từ 2009, chỉ đạt 2,8%. Đó là chưa tính đến khả năng dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn.

Gần đây, Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Nước Nga của ông Vladimir Putin được cho là cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Giá dầu giảm từng khiến nước Nga rơi vào khủng hoảng hồi năm 2014-2015.

Trong khi đó, dịch Covid-19 là cú sốc kép hiếm hoi với kinh tế toàn cầu, cùng lúc kéo tụt cả nguồn cung các loại hàng hóa (trừ dầu khí) và nhu cầu, đẩy các nhà hoạch định chính sách kinh tế vào thế khó.

Cú sốc nguồn cung giờ đây không còn là ngắn hạn, mà có thể kéo dài. Dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đi theo hình chữ V - lao dốc trong quý I và bật lên các tuần sau đó giờ đây cũng đang được xem lại.

M. Hà