Việc người sử dụng lao động ra quyết định sa thải nhân viên với mục đích để tránh việc thưởng Tết Âm lịch năm 2019 có thể sẽ bị phạt tù.

Tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ: Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.

{keywords}
Ảnh minh họa. I.T

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Với quy định này, nếu mặt khách quan thể hiện hành vi sa thải là trái pháp luật và vì lý do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, ví dụ đơn cử như việc sa thải nhằm không thưởng tết cho nhân viên thì người sử dụng lao động có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là từ 03 tháng đến 01 năm tù giam.

Hành vi sa thải trái pháp luật là các hành vi sa thải không tuân thủ theo quy định về các trương hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012.

Luật sư Mai Anh - Đoàn Luật sư Tp Hà Nội

(Theo Dân Việt)