Một quyết định thận trọng

Sau phiên họp kéo dài 2 ngày, theo CNBC, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua gói kích thích tài khóa khổng lồ cho đến khi họ nhận thấy “bước tiến đáng kể” trên thị trường việc làm và lạm phát.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Fed (FOMC) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0-0,25% ít nhất đến năm 2023.

Như vậy, về chính sách lãi suất không có gì thay đổi so với các cuộc họp trước đó. Tuy nhiên, Fed cam kết duy trì mua trái phiếu cho đến khi xuất hiện trạng thái toàn dụng nhân công (là trạng thái của nền kinh tế mà tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động - trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc với mức lương hiện hành trên thị trường lao động - đều có việc làm. Nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên).

Theo đó, Fed sẽ tiếp tục tăng nắm giữa trái phiếu Chính phủ ít nhất 80 tỷ USD/tháng và tăng chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) ít nhất 40 tỷ USD/tháng cho đến khi nền kinh tế đạt được bước tiến đáng kể hướng về mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá cả.

Như vậy, quy mô bơm tiền mỗi tháng tiếp tục ít nhất là 120 tỷ USD.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ treo trên vùng đỉnh cao lịch sử.

Đây được xem là một dòng tiền đáng kể góp phần giúp các thị trường vận hành suôn sẻ và nới lỏng điều kiện tài chính, và qua đó hỗ trợ cho dòng tín dụng chảy tới hộ gia đình và doanh nghiệp.

Những quyết định thận trọng của Fed được đưa ra trong bối cảnh gói kích thích kinh tế của chính quyền Washington vẫn bế tắc ở quốc hội, giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa và đương kim tổng thống Donald Trump ngày càng thất thế trong việc lật ngược cuộc bầu cử diễn ra cách đây 6 tuần.

Quyết định mới trên thực tế không đủ quyết liệt như kỳ vọng của thị trường.

Trước đó, nhiều chuyên gia đầu tư dự báo Fed sẽ đưa ra biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết sự chững lại của đà hồi phục bằng cách kéo dài thời gian mua trái phiếu hoặc tăng quy mô tổng thể.

Dù vậy, đây có thể được xem là một giải pháp hợp lý của chủ tịch Fed Jerome Powell, như là một cách để tạo ra áp lực cho 2 phía Dân chủ và Cộng hòa đi đến sự thống nhất về một gói kích thích kinh tế vốn bị trì hoàn kể từ cuối tháng 7 cho tới nay. Nó cũng đồng thời tạo ra dư địa chính sách để Fed có thể can thiệp khi cần thiết.

Trước đó, ông Jerome Powell được xem là người đàn ông quyền lực âm thầm trợ sức cho tổng thống Donald Trump trong việc vực dậy nền kinh tế và thị trường lao động bị tàn phá bởi đại dịch Covid.

Hồi giữa tháng 9, các quan chức Fed đồng loạt ủng hộ định hướng chính sách kéo dài sự hỗ trợ thêm khoảng 3 năm và chấp nhận rủi ro, gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 30 năm qua để vực dậy thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Chủ tịch Jerome Powell công bố khuôn khổ chính sách mới: từ bỏ chiến lược nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát, mà mục tiêu là nhằm hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.

Thị trường tài chính Mỹ được dự báo tiếp tục tăng trưởng

Sau quyết định của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ không có nhiều biến động. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng nhẹ lên gần sát mức cao kỷ lục. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,5%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,15%.

Thị trường tài chính Mỹ được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng mạnh nhờ kỳ vọng vào tính thanh khoản cao, tiền nhiều, nhờ kỳ vọng vào đà tăng trưởng ổn định trong năm 2021, khi ngày càng nhiều người được tiêm vaccine phòng Covid, cũng như nhu cầu tiêu dùng dồn nén trong thời gian đại dịch. Bên cạnh đó là lãi suất thấp và khả năng nước Mỹ sẽ có thêm 1 gói cứu trợ ngay cuối năm nay.

{keywords}
Nước Mỹ vẫn bất ổn.

Trước đó, nhiều chuyên gia cảnh báo chứng khoán Mỹ đang ở bờ vực khi mà đại dịch được dự báo sẽ còn diễn biến xấu trong khoảng thời gian một năm sau khi vaccine được phân phối. Không những thế, hoạt động bơm tiền và sự thâm hụt tài chính kéo trong một thời gian dài được dự báo sẽ gây ra rắc rối cho thị trường tài chính Mỹ.

Dù vậy, trước mắt, triển vọng của chứng khoán Mỹ vẫn khá tích cực bởi dòng tiền lớn và lãi suất thấp sẽ đẩy giá cổ phiếu tiếp tục lên cao, có thể lập các đỉnh lịch sử mới.

Dưới thời ông Joe Biden, nhiều khả năng tiền sẽ được bơm ra nhiều hơn theo như những tuyên bố của đại diện đảng Dân chủ. Những tín hiệu về chính sách thân thiện và mở rộng, đặt lại các mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh cũng như các nền kinh tế lớn như Trung Quốc… có thể giúp kinh tế Mỹ bứt phá trở lại, ít nhất trong ngắn hạn.

Trong một cuộc họp hôm 15/12, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy đã hướng tới một thỏa thuận viện trợ lưỡng đảng với một gói trị giá 900 tỷ USD, trong đó có một đợt thanh toán trực tiếp mới cho người dân.

Nhiều khả năng sẽ có một sự đồng thuận và thỏa thuận về gói kích thích mới sẽ sớm được thông qua. Đây cũng sẽ là một cú hích cho thị trường chứng khoán Mỹ. Gói kích thích này cũng được xem là cầu nối cần thiết để mở rộng việc tiêm chủng vaccine và đẩy nhanh sự hồi phục của kinh tế Mỹ

Dù vậy, theo Fed cho dù hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục hồi phục nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức đầu năm.

Nhiều người cũng lo ngại về hiện tượng các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường chứng khoán tạo ra dòng tiền kỷ lục, trong khi những người nội bộ trong các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây bán ròng ở mức chưa từng có. Một khi chứng khoán lên đỉnh, đà lao dốc có thể rất mạnh. Nhưng trước mắt có thể vẫn sẽ là những phiên tăng giá, thậm chí có dự báo cho rằng, Dow Jones có thể cán mốc 40.000 điểm vào năm sau so với mức trên 30.000 điểm như hiện tại.

M. Hà