Sau cả năm tăng điểm mạnh, vài tuần chao đảo gần đây của thị trường chứng khoán khiến giới đầu tư nghi ngờ về sự kết thúc của một đợt tăng giá kéo dài. Những tác động tích cực của chính sách kích thích nền kinh tế của ông Donald Trump có thể đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu Mỹ trong vài phiên gần đây tiếp tục thăng hoa lên các mức kỷ lục mới.

Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm hơn 55 điểm lên mức cao lịch sử mới: hơn 28.120 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng chưa dừng bước ở mức kỷ lục cũ ghi nhận trong phiên liền trước.

Cả 3 chỉ số đều đã tăng từ 20% đến trên 30% tính từ đầu năm.

Đêm qua, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3, trong đó có nhóm cổ phiếu bán lẻ như Best Buy, Dick’s Sporting Goods,... Cổ phiếu Best Buy tăng hơn 9%, trong khi Dick’s Sporting Goods tăng vọt hơn 18%.

{keywords}
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 20,6% kể từ đầu năm.

Giới đầu tư cũng đánh cược vào triển vọng của nhóm cổ phiếu này trước thời điểm Ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday), một mốc đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm tại Mỹ cũng như nhiều nước, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức thấp nhất 50 năm, đồng lương cải thiện ở hầu hết các bang và sức cầu tiêu dùng lớn.

Một thị trường lao động tăng mạnh mẽ và tăng trưởng mức lương của người lao động đang hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng, vốn chiếm tới khoảng 70% nền kinh tế Mỹ.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở tình trạng khá tốt mà theo đánh giá mới nhất của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell là “sáng sủa”.

Ba lần cắt giảm lãi suất gần đây của Fed cũng được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí vào nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

{keywords}
Chỉ số tầm rộng S&P500 tăng 25,3% kể từ đầu năm.

Các nhà đầu tư cũng lạc quan hơn về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sau thông tin Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc điện đàm với các đối tác Mỹ và cả hai bên đã đạt được sự đồng thuận về hướng đi sắp tới nhằm giải quyết những tranh chấp về thương mại.

Giới đầu tư kỳ vọng, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước ngày 15/12, thời điểm mà các mức thuế mới của Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.

Việc một số thị trường chứng khoán thế giới hồi phục cũng thêm hy vọng cho giới đầu tư. Theo CNBC, chứng khoán Nhật từ đầu năm tới nay đã tăng 20% và đà tăng giá được cho là chưa kết thúc nhờ lợi nhuận cao và triển vọng tốt.

{keywords}
Donald Trump thần kỳ, thêm kỷ lục trước thời điểm quyết định

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Mỹ có thể yếu đi nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không tìm được lối thoát. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở mức thấp đáng lo ngại, làm tăng sự quan ngại về nguy cơ kinh tế nước này rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp giống như Nhật Bản.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài 2 năm qua đã tác động rất mạnh tới nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chưa cho đến nay có nhiều tác động tiêu cực tới Mỹ. Đây là một lợi thế cho ông Trump trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau.

Tuy nhiên, xung đột kéo dài là chắc chắn là bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ. Một thỏa thuận tạm thời có thể là lựa chọn của ông Trump.

M. Hà