Theo sau Mỹ, Anh vào cuộc

Chiều 11/3 (giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) lần đầu tiên kể từ năm 2016 đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Theo đó, BoE đã cắt 50 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống 0,25%/năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nước và lan rộng ngay tại nước này.

Trong thông báo đưa ra, BoE cho biết, các thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ nước này đã bỏ phiếu ủng hộ việc giảm lãi suất cho dù mức độ tổn hại từ cú sốc kinh tế do dịch Covid-19 gây ra là chưa rõ ràng.

Dù vậy, BoE cũng dự báo hoạt động kinh tế tại Anh có thể suy giảm trong vòng vài tháng tới.

Bên cạnh đó, BoE cũng tiếp tục chính sách nới lỏng khác là biện pháp mua trái phiếu, với mức 435 tỷ bảng Anh đối với trái phiếu chính phủ và 10 tỷ bảng Anh trái phiếu doanh nghiệp, cùng với một chương trình hỗ trợ có kỳ hạn mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

{keywords}
Anh giảm mạnh lãi suất vì dịch Covid-19.

Bộ Tài chính Anh cũng tính tăng đầu tư công trong giai đoạn 5 năm tới, tăng thêm khoảng 130 tỷ USD, lên mức cao nhất kể từ 1955 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trước đó, hôm 5/3, Ngân hàng Canada (BoC) cũng đã cắt giảm mạnh lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 1,25% với nhận định rằng, dịch Covid-19 là cú sốc tiêu cực đối với triển vọng của Canada và toàn cầu.

Cũng theo BoC, dịch Covid-19 là một mối đe dọa sức khỏe đáng kể đối với người dân ở một số quốc gia đang phát triển. Hoạt động kinh doanh tại một số khu vực đã giảm mạnh và chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Triển vọng kinh tế của Canada rõ ràng yếu hơn so với hồi tháng 1.

Hôm 3/3, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã làm điều chưa từng có và tạo ra nguy cơ 1 cuộc đua xuống đáy. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ khẩn cấp hạ lãi suất 50 điểm phần trăm, mức mạnh nhất kể từ 2008 trước cả cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ (dự kiến vào 18/3).

Fed đã giảm lãi suất từ mức 1,5 - 1,75% xuống 1% - 1,25% nhằm khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy  giảm tăng trưởng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Mỹ.

Đây là một quyết định đảo chiều bởi trước đó, cuối cuối 2019 và đầu 2020 Fed đã phát đi tín hiệu cho biết có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất thêm nữa. Dù vậy, chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng qua, tình hình đã đảo ngược toàn bộ. Nước Mỹ đã không còn miễn nhiễm với dịch Covid-19 và chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần tồi tệ nhất trong lịch sử với những phiên giảm trên 1.000 điểm và vốn hóa bốc hơi hàng ngàn tỷ USD. Phiên đầu tuần mới, chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí còn giảm mạnh lịch sử, bốc hơi hơn 2.000 điểm.

{keywords}
Mỹ vừa có quyết định lịch sử: giảm mạnh lãi suất 50 điểm phần trăm.

Thế giới chạy đua, thị trường tài chính rủi ro

Không những thế, các tín hiệu trên thị trường cho thấy, Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 50-75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 18/3 tới.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết ông sẽ sớm thông báo về việc hỗ trợ “rất đáng kể” cho nền kinh tế. Các biện pháp có thể bao gồm cắt giảm thuế thu nhập từ lương và hỗ trợ những người lao động làm việc theo giờ nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của virus corona. Những ưu đã về thuế sẽ nằm trong gói chi tiêu trị giá 8,3 tỷ USD mà ông Trump đã ký kết vào tháng trước. 

Cũng hôm 3/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới 0,5%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Chính phủ Đức cũng đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính. Trước đó, Trung Quốc đã giảm lãi suất và bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.

{keywords}
Chứng khoán Việt Nam vừa có phiên giảm lịch sử hơn 55 điểm.

Cũng do dịch Covid-19, Thái Lan vừa thông qua gói kích thích 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh này. Đây cũng chỉ là biện pháp trong giai đoạn 1 và Thái Lan có thể sẽ có hành động cho giai đoạn hai nếu tác động của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Sự ứng phó của NHTW và bộ tài chính các nước diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo trong vài tuần qua. Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới có những tuần bốc hơi 5.000-7.000 tỷ USD. Giá vàng biến động mạnh, vọt từ ngưỡng 1.500 USD/ounce lên 1.700 USD/ounce. Giá dầu có phiên giảm 25-30%. Lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục lập kỷ lục thấp.

Thị trường tài chính được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh các nước chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và bơm tiền vào giải cứu nền kinh tế.

Gần đây vàng biến động rất mạnh và đồng USD cũng liên tục lên xuống thất thường. Vàng được dự báo hạ nhiệt trong ngắn hạn và sẽ quay đầu tăng trở lại, có thể lên tới 1.800 USD/ounce.

Hôm 9/3, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã xuống thấp kỷ lục. Sau khi thủng mốc 1%/năm và xác lập đáy lịch sử trong tuần trước, hôm 9/3, trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lại thủng mốc 0,4% xuống mức thấp lịch sử mới: 0,3469% do lo ngại về dịch Covid-19 và đà lao dốc kỷ lục của giá dầu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm xuống thấp kỷ lục ở 0,7104%.

{keywords}
Ông Trump tính giảm thuế để hỗ trợ người lao động.

Bitcoin cùng hàng loạt tiền ảo khác lao dốc khiến thị trường hoảng loạn và hàng chục tỷ USD bị “thổi bay”.

Trước đó, đồng baht của Thái Lan - đồng tiền từng tăng mạnh nhất châu Á bất ngờ trở thành yếu nhất vì virus corona sau khi mất giá 4-5%, thu hẹp một nửa mức tăng 7,9% của năm 2019. Hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều đang biến động bất thường, phụ thuộc vào những biến động chính sách tiền tệ mới và triển vọng kinh tế của các nước.

Trong bối cảnh không gian nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn không còn nhiều, thị trường đã bắt đầu nói đến nhiều nỗi lo, trong đó có nỗi lo bong bóng trên thị trường trái phiếu và sự đảo chiều của dòng vốn, rút ra khỏi nhiều thị trường mới nổi.

NHTW đang đẩy mạnh mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ để tăng lượng cung tiền ra thị trường. Trong khi, rủi ro gia tăng khiến các nhà đầu tư tìm đến trái phiếu nhiều hơn, khiến giá trái phiếu tăng và lợi suất giảm mạnh. Rủi ro từ một cuộc đua xuống đáy nhằm hỗ trợ nền kinh tế của từng nước đang đẩy thị trường tài chính vào một cơn biến động hiếm có mới.

M. Hà