Đồng loạt ứng phó

Ngân hàng Trung ương Philippines, Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), vừa quyết định hạ lãi suất cơ bản đồng peso 25 điểm cơ bản xuống còn 4,5%/năm, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 13/5. Các lãi suất khác như cũng giảm theo.

Đây là bước đi đảo chiều chính sách tiền tệ của BSP trong gần 7 năm qua sau khi mà cả lạm phát và tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm.

Trước đó, Philippines đã có một khoảng thời gian dài theo đuổi chính sách thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát và tạo dư địa cho các chính sách về sau. Riêng trong năm 2018, BSP đã 5 lần nâng lãi suất với tổng cộng 175 điểm cơ bản, kéo lãi suất từ mức 3% lên 4,75% như vừa qua nhằm kiểm soát giá hàng hóa dịch vụ tăng.

{keywords}
Thống đốc BSP Benjamin Diokno.

Theo thống đốc BSP Benjamin Diokno, quyết định cắt giảm lãi suất dựa trên triển vọng lạm phát “có thể kiểm soát được” và sẽ nằm trong mục tiêu 2-4% trong năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng GDP xuống mức thấp 4 năm, đạt mức 5,6% trong quý 1/2019. 

Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí vay, mang đến lợi ích cho người tiêu dùng và sẽ giúp thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh một số tổ chức như Fitch cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2019 và 2020.

Quyết định của BSP được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung lên cao. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế có thể đổ vỡ hoàn toàn sau khi Bắc Kinh xóa bỏ các nội dung thỏa thuận đã đàm phán trước đó, khiến tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận, ngay lập tức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 10/5. Ông Trump cũng khởi động tiến trình đánh thuế trên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc vào Mỹ.

Hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) các nước cũng có những hành động nới lỏng tương tự.

Trước đó, hôm 8/5, NHTW New Zealand và Malaysia đã giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng khoảng 3 năm. Đây đều là những bước đảo chiều chính sách, chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng của các ngân hàng trung ương châu Á.

NHTW Thái Lan (BoT) hôm 8/5 cũng đã đưa ra quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản, duy trì lãi suất thấp ở mức rất thấp 1,75% sau cú nâng lãi suất hồi tháng 12 năm ngoái.

Đây là mức lãi suất thấp sát mức kỷ lục, chỉ cao hơn 50 điểm phần trăm so với mức thấp nhất ghi nhận trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ của nước này do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và năm nay dự báo chỉ ở mức 3,8%. 

{keywords}
Cuộc chiến thương mại có thể kích hoạt cuộc chiến tiền tệ.

Các NHTW Nhật và Australia cũng đã nghiêng về nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và sức ép gia tăng đối với các doanh nghiệp từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

Tại Việt Nam, lãi suất chưa có dấu hiệu giảm nhưng đồng USD có biến động lớn, lập kỷ lục hiếm có và lên đỉnh cao mới sau một thời gian ổn đỉnh kéo dài trước đó. Diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy đồng NDT đi xuống, trong khi USD có xu hướng được mua vào nhiều hơn trên phạm vi toàn thế giới. Điều này làm ảnh hưởng khá lớn tới tỷ giá USD/VND trong nước.

Donald Trump ngửa bài, thế giới ít lựa chọn

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, việc NHTW các nước đồng loạt điều chỉnh chính sách tiền tệ, quay đầu giảm lãi suất và duy trì lãi suất thấp là động thái để phòng ngừa tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.

Theo ông Tuấn, giảm lãi suất sẽ giúp kích thích kinh tế, kích thích sản suất, bù vào lượng hàng hóa mà Trung Quốc suy giảm xuất khẩu cũng như suy giảm đầu tư vì bị Mỹ đánh thuế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với Việt Nam, dư địa không nhiều, khả năng giữ nguyên chính sách bởi lạm phát tiềm năng có thể lên cao. Trong khi đó, NHNN đang siết tín dụng, nhu cầu vốn lên cao nên khả năng giảm lãi suất không nhiều.

Trên mạng Twitter hôm 12/5, ông Trump thẳng thừng đe dọa Trung Quốc nếu không nhanh chóng đàm phán sẽ đón nhận thỏa thuận tồi tệ hơn nhiều trong trường hợp ông tái đắc cử năm 2020, điều mà ông chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Trung Quốc bất ngờ lật cờ trong bối cảnh thế áp đảo dường như không còn nghiêng về phía ông Donald Trump, với nhiều áp lực từ trong nước. Nền kinh tế Mỹ đang khởi sắc nhưng dường như đang thiếu động lực cho một đợt tăng tiếp trong những quý tiếp theo, nhất là vào thời điểm trước cuộc bầu cử 2020. Trong khi đó, kinh tế và chứng khoán Trung Quốc được báo cáo vẫn khá ổn sau hàng loạt những biện pháp kích thích kinh tế. 

{keywords}
Bất đồng Trung - Mỹ vẫn sâu sắc.

Để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, chính ông Trump là người gây nhiều sức ép lên Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để đảo chiều chính sách tiền tệ, chuyển sang hạ lãi suất để đảm bảo cho một kết quả tươi sáng ở phía trước. Trên Twitter, ông Trump cho rằng kinh tế Mỹ có thể “đi lên như tên lửa” nếu lãi suất được cắt giảm, khoảng 100 điểm phần trăm (tương đương 1%). Tuy nhiên, ông Trump đã thất bại. Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp gần nhất.

Ông Trump cho biết, Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế của họ bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp, duy trì một đồng NDT yếu, trong khi đó Fed đã không ngừng nâng lãi suất, mặc dù lạm phát của Mỹ ở mức rất thấp.

Trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung luôn khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, như hồi giữa năm 2018. Những diễn biến gần đây cũng khiến chứng khoán Mỹ, Trung Quốc tụt giảm. Chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh.

Với Việt Nam, TTCK và tài chính cũng chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ở nhiều mặt nào đó, kinh tế Việt Nam được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ-Trung, như mảng dệt may, da giày, FDI, hút dòng vốn đầu tư nước ngoài,... Nhiều thương hiệu lớn như Apple, Nike, Adidas,... đang nhắm tới thị trường Việt Nam do Việt Nam đang hưởng lợi thế từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, khu vực ASEAN, các hiệp định song phương và sắp tới là EVFTA,...

Hồi đầu tháng 4, ADB dự báo kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ và có thể tăng thêm 2% GDP nhờ cuộc chiến này. Xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 7,3% khi Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD (như đã thành hiện thực).

M. Hà