Trái ngược với làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, chứng khoán Việt Nam trải qua vài phiên diễn biến khá tích cực: chỉ số tăng điểm và thanh khoản cũng được cải thiện.

Trong phiên giao dịch 14/5, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp (hạ tầng khu công nghiệp) như ông trùm Sonadezi (SNZ) tại Đồng Nai, Nam Tân Uyên (NTC), Long Hậu (LHG), Viglacera (VGC),... đồng loạt tăng mạnh ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald nói về xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc và tìm đến Việt Nam.

Theo ông Trump, trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại đang căng thẳng leo thang, nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước như Việt Nam hoặc vài quốc gia châu Á khác.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu bất động sản hạ tầng khu công nghiệp vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đều đặn chảy mạnh vào trong nhiều năm qua.

Đây cũng là lý do khiến nhiều đại gia Việt đẩy mạnh đầu tư vào các cổ phiếu trong mảng này. Nhóm cổ đông Gelex đại diện bởi ông Nguyễn Văn Tuấn là nhà đầu tư mới nhất lấn sân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Theo thông tin Sở GDCK Hà Nội (HNX), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) của ông Nguyễn Văn Tuấn đã mua vào 27 triệu cổ phiếu Viglacera (VGC), qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu (12,74%).

Như vậy, nhóm Gelex của ông trùm thiết bị điện Nguyễn Văn Tuấn đã chính thức nắm giữ gần 25% cổ phần Viglacera, một doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng khu công nghiệp.

{keywords}
Đại gia Nguyễn Văn Tuấn, ông chủ Khách sạn Melia Hà Nội

Sở dĩ Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn muốn thâu tóm Viglacera chính là nhìn thấy tiềm năng của lĩnh vực  này cũng như bổ trợ cho các nhóm kinh doanh khác của tập đoàn. Gelex muốn cung cấp giải pháp đồng bộ cho khách thuê bất động sản khu công nghiệp.

Mặc dù vậy, cú đầu tư vào Viglacera cũng khiến ông Tuấn có nhiều trăn trở. Chỉ trong vòng 3 năm, đại gia này đã có nhiều thương vụ ngàn tỷ chấn động. Nhưng quyết định rót tiền vào VGC khiến Gelex có những rủi ro nhất định về dòng tiền.

Theo chia sẻ của ông Tuấn, trong thương vụ thâu tóm một phần Viglacera gần đây, dòng tiền của Gelex không theo kịp các thương vụ như vậy. Nếu tiếp tục mua Viglacera thì Gelex phải cần thêm khoảng 180 triệu USD. Đó là chưa kể tới tham vọng thâu tóm nhiều mảng lĩnh vực khác, trong đó có 2 cảng cũng như đầu tư vào các lĩnh vực cần vốn lớn, vốn dài như năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời, hay dự án 2 khách sạn 5-6 sao tại khu đất kim cương tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội),... 

Khác với các vụ thâu tóm tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi (thiết bị điện) và có khả năng sinh lời cao trước đó, cú thâu tóm Viglacera cần nhiều tiền hơn rất nhiều và cũng cần thời gian để mua thêm phần thoái vốn của Nhà nước cũng như thay đổi quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như các thương vụ khác, theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch HĐQT Gelex, Gelex không bỏ tiền ra mua tài sản mà là mua dòng tiền, từ các cỗ máy in tiền đó sẽ tích lũy để đầu tư vào các lĩnh vực khác có triển vọng và khả năng sinh lời dài hạn.

Mảng thiết bị điện có dòng tiền dồi dào, mang về cho Gelex khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền này giúp Gelex tiếp tục thâu tóm các doanh nghiệp trong cùng ngành, cũng như tích lũy đầu tư sang các lĩnh vực khác có liên quan như nhóm hạ tầng (điện nước, logisstics, bất động sản công nghiệp... ). Các nhóm này cần nhiều đầu tư ban đầu lớn nhưng sau sẽ sinh lời đều đặn.

Trong năm 2018, một đại gia khác cũng tấn công vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Sacomreal của nhà ông Đặng Văn Thành đã bất ngờ đổi tên thành TTC Land và lấn sân sang BĐS khu công nghiệp.

TTC Land hiện sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1020 ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha. Các khu công nghiệp đều nằm trong vùng trọng điểm Kinh tế phía Nam, hiện tỷ lệ lấp đầy của 2 khu công nghiệp trên đã đạt 60%.

Các doanh nghiệp quản lý khu công nghiệp từ lâu đã được đánh giá là có triển vọng và có sức hấp dẫn lớn. Dòng vốn ngoại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... vẫn dồn dập đổ vào Việt Nam với số dự án FDI cho tới này lên tới hàng chục ngàn dự án, với tổng vốn đăng ký hàng trăm tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu Việt Nam tiếp tục diễn biến trái chiều so với quốc tế. Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp và dầu khí tăng mạnh giúp VN-Index bứt phá gần 7 điểm.

Điều đáng nói là thanh khoản vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng.

Một số cổ phiếu trụ cột nhóm ngân hàng, thực phẩm, hàng không, bán lẻ,... cũng tăng giá.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục có thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán SHS, tâm lý nhà đầu tư đã có sự ổn định lại giúp cho lực cầu gia tăng tốt. Thanh khoản có sự cải thiện tốt và vượt trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại thị trường.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 15/5, VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co mạnh quanh ngưỡng 965 điểm (đường viền cổ - MA20).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/5, VN-Index tăng 5,99 điểm lên 958,54 điểm; Hnx-Index giảm 0,24 điểm xuống 105,61 điểm và Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 55,25 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 5,0 ngàn tỷ đồng

H. Tú