Diễn biến tích cực

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có một quyết định khá bất ngờ: lùi thời hạn tăng thuế với từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào 0h ngày 2/3 như kế hoạch trước đó cho đến khi ông có thể gặp được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là một diễn biến tích cực nhất trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng khoảng 7 tháng qua và có thể là kết quả của nhiều vòng đàm phán, gần nhất là cuộc gặp tại Washington cuối tuần vừa qua. Nó cũng diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có những đánh giá tích cực về quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề quan trọng, bao gồm: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và rất nhiều lĩnh vực khác.

Trong cuộc họp tuần trước, theo CNBC, Trung Quốc đã cam kết mua tới 1,2 ngàn tỷ USD hàng hóa của Mỹ. 

{keywords}
 

  

{keywords}
Trung Quốc có nhiều nhượng bộ trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Còn theo Bloomberg, Trung Quốc đề xuất mua bổ sung thêm 30 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu nành, bắp ngô và lúa mỳ như là một phần của bản thỏa thuận thương mại tiềm năng.

Đề xuất mua bổ sung thêm nông sản của Mỹ được bao hàm trong biên bản ghi nhớ (MoU) - sau được đổi thành thỏa thuận thương mại nhằm có ràng buộc cụ thể. Khoản mua nông sản Mỹ sẽ vượt mức trước thời điểm chiến tranh thương mại diễn ra.

Trước đó, Trung Quốc liên tục đề xuất tăng cường mua nông sản và các sản phẩm năng lượng để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Kể từ lúc 2 bên tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại vào đầu tháng 12/2018, Trung Quốc đã nối lại việc nhập khẩu một số nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu nành.

Những thông tin tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã giúp các thị trường chứng khoán châu A ngay lập tức phản ứng tích cực. Chứng khoán Trung Quốc trong khi đó tăng bùng nổ và chuyển sang trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market). Trong khi, chỉ số VN-Index của Việt Nam tiếp tục tăng điểm và lên sát ngưỡng 1.000 điểm trong phiên giao dịch 25/2.

Chỉ số CSI 300 tăng 6% trong phiên đầu tuần, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index lên thêm 5,6%. Tính từ đầu tháng 1, cả 2 chỉ số này đã tăng tổng cộng hơn 20%. Vốn hóa của TTCK tăng thêm cả ngàn tỷ USD. Đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng hồi phục khá mạnh, thêm 0,3% lên ngưỡng 6,69 NDT đổi 1 USD. 

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tính toán ngắn hạn và cuộc chiến dài hạn

Những diễn biến tích cực trong quan hệ Mỹ và Trung đang nhóm lên hy vọng cho giới đầu tư tài chính toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, chứng khoán châu Á cũng sáng sủa lên trong khi chứng khoán Mỹ tiếp tục sôi động.

Nền kinh tế Trung Quốc gần đây có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng cuối năm 2018 giảm còn 49,4 điểm, một dấu hiệu của sự suy giảm.

Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình có thể còn xấu hơn trong thời gian tới khi mà nền kinh tế số 2 thế giới ngấm đòn thuế của Mỹ.

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Mỹ cũng đã phát ra những tín hiệu không còn sáng sủa. Nền kinh tế Mỹ vẫn khá mạnh mẽ, với lượng công ăn việc làm được tạo ra ấn tượng. Tuy nhiên, tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng khác của chính quyền ông Trump cũng đang yếu dần. Thậm hụt ngân sách ở mức lớn và thương mại bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến với Trung Quốc. Đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ có dấu hiệu yếu dần, không còn đạt mức 3%. 

{keywords}
Mỹ tập trung phát triển AI.

Sự suy yếu của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều mà cả ông Donald Trump và Tập Cận Bình không hề mong muốn. Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn bị tổn thương, không muốn chứng kiến một nền kinh tế đi xuống trong bối cảnh sự nghi ngờ đang trỗi dậy và mức độ tín nhiệm giảm sút.

Một cái bắt tay, một thỏa thuận có sự nhượng bộ nhất định từ 2 phía có thể là một cái kết hợp lý cho cả 2 bên, ít nhất là trong ngắn hạn.

TTCK Trung và Mỹ tăng trở lại, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống trong khi kinh tế Trung Quốc lấy lại nhịp tăng trưởng… là điều mà các nhà lãnh đạo mong muốn.

Tuy nhiên, về dài hạn, quan hệ Mỹ-Trung có thể còn nhiều căng thẳng, nhất là nếu ông Donald Trump trúng cử nhiệm kỳ 2. Điều này đã được nhiều chuyên gia dự báo. Trong một đánh giá gần đây trên Bloomberg, 2 bên Mỹ-Trung được cho là có những khác biệt lớn, trong đó có các vấn đề liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Về công nghệ, Mỹ và Trung Quốc đang có sự cạnh tranh khốc liệt. 

{keywords}
Mỹ muốn Trung Quốc kiểm soát đồng NDT.

 Trong tuần trước, theo Fox News, ông Donald Trump quyết đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy Mỹ theo đuổi các nghiên cứu nâng cao năng lực trí tuệ nhân tạo nhằm duy trì sự thống trị về quân sự và kinh tế của nước này.

Trước đó, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào 2030. Kế hoạch này khiến chính quyền Donald Trump không khỏi lo lắng.

Một vướng mắc nữa giữa 2 bền là vấn đề đồng NDT. Mỹ muốn Trung Quốc cam kết không làm mất giá đồng NDT nhưng chưa tìm được tiếng nói chung với Bắc Kinh. Trước đó, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc “phá giá” đồng NDT để đạt được lợi thế cạnh tranh.

Dự kiến, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào cuối tháng 3.

M. Hà