Áp lực bán bất ngờ cuối phiên

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong khoảng 2 tháng qua với việc chốt phiên giao dịch chỉ số VN-Index giảm hơn 16 diểm (gần 1,7%) xuống 943,11 điểm. Vốn hóa trên TTCK chung bốc hơi tổng cộng khoảng 2,2 tỷ USD.

Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất trong tháng 6 của các cổ phiếu trụ cột trên sàn trong nhóm VN30.

Thị trường giảm mạnh sau khi một loạt cổ phiếu trụ cột trên thị trường bất ngờ chịu áp lực bán ra rất mạnh vào cuối phiên giao dịch (phiên ATC). Cú đạp trụ ở vào 15 phút cuối cùng trong phiên giao dịch đã khiến tình hình trở nên xấu hơn.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giảm mạnh. Vingroup (VIC) giảm 2.000 đồng (-1,7%) về 114.900 đồng/cp; Vinhomes giảm 1,9%; Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thậm chí giảm 4%. Cổ phiếu khủng long Sabeco (SAB) cũng giảm 10 ngàn đồng (khoảng 3,6%) xuống 272.000 đồng/cp. GAS giảm gần hết biên độ cho phép, giảm 6.700 đồng xuống 98.000 đồng/cp,...

Một điểm đáng lưu ý là áp lực bán đè lên các cổ phiếu blue-chips ở ngay vào thời điểm cuối phiên và thị trường không kịp thấy có lệnh đối ứng mua vào để cân bằng thị trường. Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu trụ cột đã kéo thị trường chung đi xuống. 

{keywords}
Áp lực bán mạnh vào cuối phiên.

Nhóm ngân hàng diễn biến không tích cực với phần lớn mã giảm điểm. Nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản sau khi diễn biến tích cực trong phiên hôm 26/6 nhờ thông tin về Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối tuần. Tuy nhiên, nhóm này cũng không giữ được đà tăng.

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh chứng khoán châu Á bứt phá sau khi thị trường đón tin vui Mỹ tiến gần hơn đến việc hạ lãi suất và Mỹ - Trung có thể tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại trước thềm hội nghị G20.

Diễn biến trái chiều trên TTCK Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi đa số kỳ vọng thị trường sẽ tích cực và thậm chí còn phải tăng tốt hơn cả mặt bằng chung sau thông tin về EVFTA và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể chảy vào Việt Nam mạnh hơn.

Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, EVFTA là hiệp định tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam. Nó tạo cơ hội tiếp cận sâu giữa Việt Nam với thị trường gồm 28 nước thành viên của EU.

EVFTA loại bỏ 99% thuế hải quan giữa hai bên trong đó 65% thuế hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại giảm theo lộ trình 10 năm.

Còn theo CK Bảo Việt, EVFTA sẽ giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 0,48% điểm. Dệt may, giày dép, rau, củ quả,... là các ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Dệt may và giày dép sẽ chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ Euro.

Triển vọng sáng sủa, khó khăn vẫn còn

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, phiên giảm điểm mạnh 27/6 chủ yếu do quỹ ủy thác bán ra. Trong khi thị trường vẫn còn khá yếu thời gian gần đây, hoạt động bán ra vào cuối phiên (ATC) khiến cầu không đáp ứng được và thị trường giảm nhanh.

Cũng theo ông Tuấn, hoạt động bán ra của các quỹ mở là bình thường. Khi nào nhà đầu tư muốn rút vốn thì các quỹ bán chứng khoán để trả tiền cho họ. Giá trị tài sản ròng (NAV) chốt vào cuối phiên ngày đăng ký rút. 

{keywords}
Hiệp định EVFTA là một yếu tố tích cực đối với TTCK.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, điều đáng lưu ý là ở chỗ thị trường gần đây khá yếu. Đó là sự mất hút của dòng tiền lớn. Còn phiên giảm mạnh hôm nay với cú bán mạnh vào cuối phiên chỉ là tác động thêm mang nhiều yếu tố tâm lý.

Ngoài những yếu tố tích cực nêu trên như EVFTA với lợi thế cho nhiều ngành nghề như dệt may, giày dép, rau, củ quả… hay dòng vốn FDI có thể chảy mạnh hơn vào Việt Nam thì yếu tố tác động tiêu cực cũng có nhiều.

Đó là chính sách thắt chặt tín dụng đối với nền kinh tế nói chung và nhóm bất động sản, chứng khoán nói riêng để đảm bảo an toàn tài chính. Bên cạnh đó là nhu cầu trên thế giới nói chung suy giảm, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Tác động của hai yếu tố này có thể khiến thị trường và các doanh nghiệp mất cả năm để thích nghi.

Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán suy yếu trong khoảng 1 năm qua, thanh khoản khá thấp chỉ xoay quanh 3.000-5.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 7.000-8.000 tỷ đồng của năm 2017, thậm chí trên 20.000 tỷ đồng như phiên đầu tháng 11/2017.

Gần đây, khá nhiều chuyên gia và CTCK đưa ra dự báo khá thận trọng về TTCK. MBS cho rằng năm 2019 dù không còn nhiều thuận lợi như năm trước nhưng việc Fed phát đi tín hiệu giảm lãi suất sẽ là một nhân tố quan trọng hỗ trợ sự phục hồi của TTCK trong ngắn hạn.

Theo MBS, tăng trưởng EPS trong năm 2019 của các doanh nghiệp niêm yết có thể giảm từ 25% trong năm 2018 xuống còn 10% trong năm 2019 do nhóm ngân hàng khó đột biến, tăng trưởng tín dụng giảm (từ 18% xuống 14%), bất động sản không còn sôi động...

Chứng khoán Everest đưa dự báo VN-Index có thể tạo đáy tại vùng 940 điểm trong quý 2 sau mùa đại hội cổ đông vào tháng 5, tháng 6. Trong nước, lạm phát tiềm ẩn những rủi ro mới do giá xăng, điện tăng sẽ tác động đến CPI, tác động đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia đưa ra dự báo lại quan hơn với VN-Index sẽ tăng lên 1.200 điểm vào đầu năm 2020 nếu ngân hàng trung ương các nước tham gia vào cuộc chạy đua hạ lãi suất sau tín hiệu của Fed.

V. Hà