Sau dãn cách xã hội vì dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đen đang có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm 2020, những vụ án liên quan đến các hoạt động phạm tội này tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ nợ sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp.

Với trường hợp của gia đình nhà ông Nguyễn Xuân Nguyên, ném mắm tôm, trộn dầu nhớt, rải truyền đơn... là cách mà các đối tượng đòi nợ đang uy hiếp gia đình ông phải trả nợ cho con trai.

{keywords}
Các đối tượng tín dụng đen đến nhà dân để uy hiếp, đòi tiền.

"Từ hồi 6/12/2019 đến nay, họ ném 12 lần chất bẩn vào gia đình. Họ ném thẳng qua cửa sổ vào trong nhà. Từ khi gia đình căng bạt che, các đối tượng lại thường xuyên ném vào cổng", ông Nguyên cho biết.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, gia đình chị đang bị siết nợ nhà vì không xoay đủ tiền trả lãi. "Họ vứt hết quần áo và đồ đạc của chúng tôi ra ngoài, đã 2 năm trôi qua, họ cưỡng đoạt nhà và mẹ con tôi không có chỗ ở. Họ nói phải có đủ 350 triệu đồng trả, nếu không, họ sẽ bán nhà", chị Lan chia sẻ.

Chị Lan cho hay, 2 năm trước gia đình chị đã vay 70 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày để chữa bệnh cho con. Sau 1 năm đã trả hơn 100 triệu, nhưng vẫn nợ 350 triệu. Giờ cả gia đình đều đang trông chờ vào gánh nước vỉa hè, chị cũng không biết đến bao giờ mới gom đủ số tiền nợ mẹ đẻ lãi con để chuộc căn nhà.

{keywords}
Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp là lời "mời gọi" quyến rũ của tín dụng đen.

Với thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp, không chỉ là cá nhân, mà nhiều doanh nghiệp cũng "dở sống, dở chết" vì tín dụng đen. Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng bị tan nát vì tín dụng đen với những thủ đoạn doạ nạt, siết nợ và cưỡng đoạt tài sản.

Xưởng gỗ rộng hàng trăm m2 của công ty TNHH Lâm Quyết cũng bị các đối tượng đòi nợ phá nát. Những tài sản có giá trị như máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, gỗ thành phẩm đều bị lấy hết.

Theo đại diện Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an, tình hình tín dụng đen đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giai đoạn sau dịch, nhiều người dân và doanh nghiệp đang cần tiền nhanh để khôi phục kinh tế, trong khi các tổ chức chính thống như ngân hàng, tài chính vẫn còn nhiều thủ tục. Nhưng rủi ro khi tiếp cận với tín dụng đen cũng không hề nhỏ. Trên thực tế, không ít trường hợp đã phải gánh chịu những hậu quả như bị hành hung, truy sát đến chết.

{keywords}
Tận dụng lỗ hổng pháp lý, tín dụng đen đang biến tướng sang loại hình cho vay trực tuyến, trên mạng xã hội để thực hiện việc cho vay và đòi nợ.

"Hành vi các đối tượng khi siết các con nợ có thể vi phạm vào các quy định bộ luật hình sự với các tội danh cụ thể như cưỡng đoạt tài sản, cổ ý gây thương tích, hủy hoại tài sản. Các tội danh này đều có hình phạt nghiêm khắc", Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho hay.

Bộ Công an dự báo trong thời gian tới, tín dụng đen xuất hiện nhiều biến tướng phức tạp, các đối tượng hoạt động kín đáo và tinh vi hơn. Đồng thời, tận dụng triệt để các lỗ hổng của pháp lý để hoạt động, nhất là các hình thức vay trức tuyến, vay ngang hàng, sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để thực hiện việc cho vay và đòi nợ.

(Theo VTV)