Một quyết định đối đầu

Sau 2 ngày họp căng thẳng 18-19/6, rạng sáng 20/6 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2,25-2,5% và nhiều khả năng không nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019.

Trong năm 2020, nhiều khả năng Fed có đợt giảm lãi suất với mức giảm 25 điểm phần trăm.

Kết quả giữ nguyên lãi suất không có nhiều bất ngờ với thị trường. Trước phiên họp, theo CME FedWatch Tool, thị trường đã phản ánh khả năng Fed giữ lãi suất lên tới hơn 74% cơ hội, trong khi gần 64% cho một đợt cắt giảm trong tháng 7.

Quyết định của Fed ngay lập tức kéo giá vàng tăng vọt. Giá vàng giao tháng 8 lên gần 1.360 USD/ounce, tăng 0,52% trong một ngày.

Mặc dù bước đi của Fed đã được dự báo trước nhưng hành động của Fed có thể tạo ra sự đối đầu giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell và ông Donald Trump. Trong một thời gian dài vừa qua, Tổng thống Mỹ liên tục chì trích những người đứng đầu Fed về chính sách tiền tệ thắt chặt mang đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế. 

{keywords}
Ông Donald trump và chủ tịch Fed Jerome Powel.

Ngay trước phiên họp lần này, trả lời cho câu hỏi có muốn giáng chức ông Chủ tịch Fed Jerome Powell hay không, ông Trump cho biết “hãy chờ xem ông ấy sẽ làm gì” tại cuộc họp của Fed.

Dự báo của Fed cho rằng sẽ không có đợt giảm lãi suất nào trong năm 2019 trong bối cảnh bất đồng trong nội bộ cơ quan này khá gay gắt. Tuy nhiên, trong câu chữ của Fed đã có những thay đổi rõ ràng về nhận thức.

Vấn đề nới lỏng chính sách trước khi kết thúc năm 2019 đã được để ngỏ và phụ thuộc vào việc các điều kiện thị trường tiếp diễn như thế nào.

Một điểm khác biệt trong đánh giá của Ủy ban thị trường mở Fed (FOMC) lần này là đã thừa nhận có sự lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ. FOMC cũng đã từ bỏ câu chữ “kiên nhẫn” để mô tả cách tiếp cận về chính sách.

Với câu từ này, đây là một tín hiệu cho thấy Fed sẽ có những động thái nới lỏng (bồ cầu - dovish) hơn về chính sách tiền tệ. Nó cũng đồng nghĩa với việc Fed có thể đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất ngay trong những tháng tiếp theo của năm 2019 nếu điều kiện thị trường thay đổi.

Fed cũng thừa nhận một thực tại rằng lạm phát đang “dao động thấp hơn” mức mục tiêu 2% của Fed, một điều kiện cho phép cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất. 

{keywords}
Ông Trump.

Áp lực mới trước cuộc gặp với Trung Quốc

Theo dự báo của Fed, lạm phát 2019 ước tính xuống chỉ còn 1,5% so với mức dự báo 1,8% đưa ra hồi tháng 3/2019.

Ủy ban thị trường mở Fed cũng xác nhận các hoạt động kinh tế của Mỹ đang “tăng ở mức vừa phải” thay vì tăng trưởng “mạnh” trong nhận định trước đó.

Mặc dù có những thay đổi về nhận thức, nhưng kết quả của Fed vẫn rõ ràng là: chưa cắt giảm lãi suất. Đây là một hành động có thể tạo ra sự đối đầu giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell và ông Donald Trump.

Gần đây, ông Trump đã yêu cầu các luật sư Nhà Trắng tìm cách giáng chức Chủ tịch Fed trong bối cảnh các chính sách của Fed khá cứng rắn và đi ngược với mong muốn của người đứng đầu Nhà Trắng trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Quyết định giữ nguyên lãi suất lần này và nhiều khả năng chưa nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019 có thể gây áp lực khá lớn lên phía ông Donald Trump trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 cuối tháng này tại Nhật Bản.

{keywords}
Ông Trump là người không đề cử bà Janet Yellen làm chủ tịch Fed nhiệm kỳ 2 vì bất đồng chính sách.

Cuộc chiến Mỹ-Trung thời gian qua đã lên mức cao chưa từng có với hàng loạt các đòn giáng thuế vào hàng hóa của nhau. Hai bên cũng sẵn sàng tung những đòn hiểm khác như tấn công vào các doanh nghiệp hàng đầu và ngành công nghiệp chủ chốt.

Trung Quốc đã có những bước lui nhất định trong bối cảnh ông Trump có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến công nghệ. Hai bên đã nhất trí sẽ có cuộc họp “kéo dài”  tại hội nghị G20 ở Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội để 2 bên trở lại bàn đàm phán, tìm giải pháp, thay vì một đợt đối đầu căng thẳng.

Sự thận trọng của Fed trên thực tế đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, nó được xem là một cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề khá trái ngược với ông Donald Trump. Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn chấp nhận sự rủi ro và biến động mạnh cũng như áp lực để thỏa thuận trên bàn đàm phán.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã nói rằng ông kỳ vọng cuộc gặp với ông Tập sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy vậy, ông cũng cho biết trên Fox News rằng nếu ông Tập không đến thì “cũng chẳng sao” và Mỹ sẽ ngay lập tức đánh thuế cao lên thêm hơn 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

M. Hà