Ngày 8/4, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất. Nghị định có hiệu lực từ ngày ký. Doanh nghiệp, người dân cần chú ý những điều sau để được gia hạn đúng đối tượng.

Nghĩa vụ thuế nào được gia hạn?

Không phải tất cả các khoản thuế hay nghĩa vụ ngân sách nào phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đều được gia hạn nộp thuế, mà chỉ được gia hạn đối với các loại thuế sau: Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân (nhưng không phải tất cả) và tiền thuê đất.

{keywords}
98% doanh nghiệp được gia hạn thuế. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối tượng nào được áp dụng?

Không phải tất cả doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế đều được gia hạn mà chỉ có các đối tượng cụ thể được quy định tại khoản 1, 2; doanh nghiệp, tổ chức sản xuất sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm cơ khí trọng điểm,  tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới được phép gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Cho nên doanh nghiệp cần tra cứu kỹ trước khi áp dụng để tránh bị xử phạt chậm nộp về sau.

Để biết doanh nghiệp mình có thuộc đối tượng được giãn tiền nộp thuế hay không, doanh nghiệp phải tra cứu các định nghĩa tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước khi áp dụng.

Được gia hạn các kỳ tính thuế nào?

Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế bị ảnh hưởng của dịch bệnh, không áp dụng cho các nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất phát sinh của các giai đoạn trước.

Trong đó, người nộp thuế phải đặc biệt chú ý các quy định cụ thể sau:

Đối với thuế Giá trị gia tăng:

+ Không gia hạn đối với thuế Giá trị gia tăng phát sinh ở khâu nhập khẩu;

+ Đối với doanh nghiệp kê khai tháng, việc gia hạn chỉ được áp dụng đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ tháng 3/2020 - tháng 6/2020;

+ Đối với doanh nghiệp kê khai Quý, việc gia hạn nộp thuế được tính cho cả 2 quý (Quý 1 và Quý 2 năm 2020);

Sở dĩ có sự khác biệt giữa khai tháng và khai quý là vì các doanh nghiệp kê khai tháng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế các tháng 1-2/2020 nên không gia hạn. Với doanh nghiệp kê khai theo Quý, Quý 1/2020 vẫn còn trong thời hạn nộp thuế nên được gia hạn thuế theo Nghị định.

+ Thời gian được gia hạn là 05 tháng kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế phải nộp (xem chi tiết trong Nghị định);

+ Trường hợp điều chỉnh hồ sơ khai thuế đối với khoản thuế phát sinh trong thời điểm được gia hạn (nếu vẫn nằm trong thời hạn được gia hạn) làm phát sinh tăng số thuế phải nộp cũng được gia hạn như trường hợp phát sinh;

+ Các chi nhánh phụ thuộc khác địa phương nếu thuộc lĩnh vực được gia hạn cũng được gia tương tự như trên.

- Đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp:

+ Thời gian gia hạn cũng là 05 tháng;

+ Thuế Thu nhập doanh nghiệp được gia hạn bao gồm thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh còn phải nộp theo báo cáo quyết toán năm 2019 (Tổng số thuế phải nộp của năm 2019 trừ Thuế Thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp trong năm 2019).

+ Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quyết toán 2019 sẽ được bù trừ với các loại thuế khác phát sinh trong kỳ không được gia hạn (kể cả phần nợ thuế trước đó nếu có).

- Đối với thuế Thu nhập cá nhân:

+ Chỉ áp dụng cho hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, không áp dụng cho cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương hay các khoản thu nhập khác (nếu có).

+ Chỉ được gia hạn đối với các lĩnh vực kinh doanh được quy định tại khoản 1&2, điều 2, không phải tất cả. Do đó, khi áp dụng phải hết sức cẩn thận, tra cứu kỹ lưỡng lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của mình để tránh phát sinh tiền chậm nộp (do áp dụng chưa đúng) về sau.

+ Số thuế được gia hạn là toàn bộ nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm 2020 (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân).

+ Thời gian được gia hạn đến ngày 14/12/2020.

- Đối với tiền thuê đất:

Để áp dụng việc gia hạn này, DN, tổ chức, cá nhân phải hết sức chú ý thoả mãn các nội dung sau:

+ Phải thuê đất trực tiếp từ Nhà nước;

+ Tiền thuê đất phải trả hàng năm;

+ Có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2;

+ Riêng DN nhỏ và siêu nhỏ được gia hạn toàn bộ;

+ Số tiền thuê đất được gia hạn là số phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp;

+ Thời gian là 05 tháng tính từ 31/5/2020.

Điều cần chú ý: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này thì được gia hạn toàn bộ;

Nếu có nhiều hợp đồng, Quyết định thuê đất khác nhau thì chỉ chỉ được gia hạn đối với hợp đồng, Quyết định thuê đất cho lĩnh vực kinh doanh quy định tại khoản 1 và 2, điều 2.

Nghiên cứu kỹ Nghị định để không bị phạt

Trước khi áp dụng, doanh nghiệp cần đọc và tra cứu kỹ các quy định liên quan để hạn chế rủi ro phát sinh (nếu có). Bởi vì theo quy định tại Nghị định 41, người nộp thuế phải tự xác định, tự chịu trách nhiệm về việc gia hạn này. Cơ quan thuế chỉ thông báo khi phát hiện trường hợp gia hạn không đúng quy định, khi đấy người nộp thuế phải chịu tiền chậm nộp nếu còn trong thời hạn gia hạn; Nộp thuế thiếu, phạt và chậm nộp nếu hết thời gian gia hạn mà cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Nghị định này có hiệu lực ngay khi ký, không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn thêm mà chỉ hướng dẫn khi triển khai có vướng mắc phát sinh.

Hải Nam

Từ 8/4, doanh nghiệp và người dân được giãn thuế, tiền thuê đất

Từ 8/4, doanh nghiệp và người dân được giãn thuế, tiền thuê đất

Chính phủ chính thức ban hành Nghị định giãn nộp thuế và tiền thuê đất với nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.